Đại sứ Yamada Takio: Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5/2023.
Đại sứ Yamada Takio: Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản

Nhân dịp này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Yamada Takio, đã có cuộc trao đổi với phóng viên. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên: Chính phủ Nhật Bản đã mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima từ ngày 20-21/5. Đại sứ có thể cho biết lý do Nhật Bản quan tâm đến việc Việt Nam tham gia sự kiện quan trọng này?

Đại sứ Yamada Takio: Lý do Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng lần này là do Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam có khả năng và quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này tại Hiroshima, Nhật Bản.

Trong các nước thành viên ASEAN, chỉ có Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023 và Việt Nam là hai quốc gia duy nhất được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này. Các quốc gia không phải là nước Chủ tịch của một diễn đàn hoặc cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới, được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này ngoài Việt Nam ra chỉ có Brazil, Hàn Quốc và Úc. Dựa trên ý nghĩa đó, tôi cho rằng các bạn đã phần nào hiểu được việc Nhật Bản vô cùng coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Thêm vào đó, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước lên một tầm cao mới trong năm nay, tại cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được tổ chức vào tháng 2/2023 vừa qua.

Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này.

Phóng viên: Với tư cách là quốc gia chủ nhà, Nhật Bản kỳ vọng Việt Nam sẽ đóng góp gì cho thành công của Hội nghị?

Đại sứ Yamada Takio: Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hiroshima lần này, vấn đề biến đổi khí hậu dự đoán sẽ trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi, được đưa ra như một trong những vấn đề trọng tâm cần có sự đồng lòng chung tay giải quyết của cộng động quốc tế. Tôi hy vọng rằng Việt Nam – quốc gia thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ liên quan đến lĩnh vực này thông qua việc Chính phủ Việt Nam đề ra nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050… sẽ đóng góp tích cực vào quá trình thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị G7 lần này.

Phóng viên: Tháng 4 năm nay, tại Hội nghị Bộ trưởng G7 về Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường tại Sapporo, Hokkaido, các quốc gia thành viên cam kết tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt tới sự phát thải khí nhà kính (GHG) không còn tồn tại trước năm 2050. Trong khi Việt Nam cam kết cắt bỏ hoàn toàn khí thải trước năm 2050 và giảm lượng khí thải 30% vào năm 2030 so với mức năm 2020. Theo ngài, Nhật Bản có thể thực hiện những bước gì để hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết này?

Đại sứ Yamada Takio: Hiện tại, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng đối với thế giới, và tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima do Thủ tướng Kishida chủ trì, vấn đề này được dự đoán sẽ là một trong những chủ đề lớn được thảo luận tích cực như là vấn đề cần được cộng đồng quốc tế quan tâm giải quyết.

Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề này, trong khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây thì thảm họa được cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn xảy ra hàng năm. Trước tình hình đó, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, và để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh như một chính sách quan trọng của Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng xanh, năng lượng sạch và kinh tế xanh.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam tập trung vào chuyển đổi năng lượng như sinh khối, hydro, amoniac và CCUS, thông qua “Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC)” phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước đối tác để tiến hành hỗ trợ quá trình khử cacbon bằng năng lượng tái tạo… thông qua “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)”.

Về chuyển đổi số, tôi được biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công trong lĩnh vực IT nhờ tận dụng được nhiều thế mạnh của mình, như nguồn nhân lực khoa học và toán học ưu tú và trẻ tuổi, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin dồi dào cũng như tư duy kinh doanh tích cực… Ví dụ như chuyển đổi số trong ngành chế tạo với sự kết hợp giữa phần mềm do các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam phát triển cho ngành chế tạo mà Nhật Bản có thế mạnh là một hình thức hợp tác mới giữa Nhật Bản và Việt Nam được quan tâm.

Phóng viên: Năm nay là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong các lĩnh vực hợp tác song phương, ngài thấy những lĩnh vực nào là đáng mừng nhất và ngài cho rằng hai quốc gia có thể tăng cường thêm mối quan hệ ở những lĩnh vực nào?

Đại sứ Yamada Takio: Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. Nhật Bản cho rằng có thể cùng với Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ các cơ chế hợp tác đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực này.

Hiện nay, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam được cho là đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trong lĩnh vực kinh tế, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023 này, Chính phủ Nhật Bản sẽ cố gắng hết mình thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, phát triển sôi nổi hơn nữa.

Thêm vào đó, nhằm tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn khôi phục lại chương trình viện trợ sử dụng nguồn vốn ODA cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ như thời điểm trước năm 2017, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần hoàn thiện và củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam. Tôi mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh (GX), chuyển đổi số (DX), hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam.

Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng trở nên khốc liệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng hoạt động hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng. Việc một số doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội, thể hiện tiềm năng mới trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước. Tôi mong muốn năm 2023 này sẽ là năm thúc đẩy tiến trình cụ thể hóa các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Thông qua các bước tiến đạt được trong hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai nước kể trên, dựa trên nội dung đã đạt được nhất trí giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 2/2023 vừa qua, tôi mong muốn đưa quan hệ Nhật Bản - Việt Nam phát triển vượt bậc lên một tầm cao mới, trở thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, không chỉ dừng lại ở cấp độ song phương, mà còn vươn ra tầm khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Theo ngài, những lĩnh vực nào mà Việt Nam cần cải thiện để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung?

Đại sứ Yamada Takio: Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các khuôn khổ đối tác kinh tế, trong đó có Hiệp định CPTPP và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản khi gia nhập.

Một cuộc khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất và được yêu thích trên thế giới đối với doanh nghiệp Nhật Bản, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với các vấn đề. Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng. Việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển hạ tầng giao thông như đường cao tốc và đường sắt... Thứ hai là về các loại thủ tục. Các nhà đầu tư Nhật Bản nói rằng có sự chậm trễ và những phần không rõ ràng trong thủ tục và quy định. Tôi mong Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để cải thiện những vấn đề này.

Phóng viên: Điều gì làm ngài thấy thích ở đất nước Việt Nam?

Đại sứ Yamada Takio: Trong thời gian 3 năm 1 tháng nhậm chức ở Việt Nam, tôi đã ghé thăm nhiều địa điểm từ Bắc đến Nam, vì cả mục đích công tác lẫn cá nhân. Mỗi địa phương đều có sức hấp dẫn riêng và tôi vô cùng ấn tượng với nền văn hóa đa dạng và thiên nhiên tươi đẹp. Trước đây, tôi từng đảm nhiệm vai trò đại sứ UNESCO và có nhiều dịp tham quan các di sản văn hóa của Việt Nam. Tôi đặc biệt bị thu hút bởi phong cảnh ngoạn mục và văn hóa đậm đà bản sắc nơi đây.

Ngoài ra, tôi đã gặp gỡ nhiều người dân Việt Nam. Tiếp xúc với những con người Việt Nam luôn vui vẻ, hào sảng nên tôi như được tiếp thêm năng lượng. Rất nhiều người ưu tú và chăm chỉ, chính phẩm chất này của dân tộc Việt Nam đã làm nên sức sống và sự phát triển của đất nước.

Số lượng người Việt Nam đang sinh sống ở Nhật Bản là khoảng 490.000 người, nhiều thứ 2 trong số các cộng đồng người nước ngoài. Trong 10 năm qua, cộng đồng người Việt Nam đã tăng lên gấp 9 lần và hoạt động năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Việc giao lưu nhân lực tích cực đang đặt nền móng cho mối quan hệ hai nước.

Tôi thích phát hiện ra những điểm tương đồng và gần gũi giữa Nhật Bản và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như ẩm thực, phong cách sống, thời trang, âm nhạc... Theo tôi, sự thấu hiểu và đồng cảm giữa người với người đã trở thành nền tảng để phát triển quan hệ Nhật-Việt. Với tư cách là Đại sứ, tôi mong muốn tạo ra nhiều cơ hội để người dân Việt Nam cũng có thể nhận ra và tái khẳng định điều đó.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.