Nhân viên tại Little Black Book, một công ty hướng dẫn thành phố trực tuyến, bắt đầu hoảng loạn. Một số về nhà sớm sau khi nhận được tin nhắn trên di động rằng các tuyến đường sẽ đóng cửa sớm vì siêu bão. Nhiều người khác chuyển tin nhắn này cho người thân đang sống trên đường đi của bão Phyan.
Jayati Bhola, một nhân viên 24 tuổi thuộc Little Black Book, đang tổ chức một chương trình âm nhạc từ thiện vào buổi chiều hôm đó tỏ ra hết sức lo lắng vì buổi nhạc sẽ không có khách tới dự. Cô nhanh chóng xem dự báo thời tiết trên Internet và ngã ngửa ra rằng siêu bão Phyan chỉ là một tin đồn thất thiệt.
Siêu bão Phyan chưa từng đổ bộ vào Mumbai vào chiều hôm đó, ngày 20-9 vừa qua. Thực tế, nó đã xảy ra từ 8 năm trước ở vị trí cách đó 1.400 dặm, tức ở Sri Lanka.
Cơ quan chức năng "đau đầu" với tin tặc sai sự thật |
"Tin giả về trận siêu bão này đã tồn tại trong suốt nhiều năm liền" - Pankaj Jain, người sáng lập một website kiểm tra thực tế chuyên dập tắt những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội ở Ấn Độ, cho hay.
Trong khi thông tin giả ở nước Mỹ được cho là đã góp phần tạo nên chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong kỳ bầu cử năm ngoái, thì ở Ấn Độ, một quốc gia có 355 triệu người sử dụng Internet, các câu chuyện về tin giả đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật: Các thông tin giả thổi phồng thảm họa thiên nhiên, xúi giục bạo lực và tôn giáo, thậm chí gây ảnh hưởng tới ngành y tế...
"Người ta sẵn sàng tin vào mọi thứ mà họ tìm thấy trên Internet" - ông Jain nói.
Hồi tuần trước, nhiều tờ báo ở Mumbai còn đăng quảng cáo toàn trang cho Facebook, trong đó giải thích về cách thức phát hiện thông tin giả. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh thậm chí còn có bài phát biểu trước các lực lượng biên giới ở New Delhi, khuyên họ không nên tin vào mọi thứ trên mạng xã hội.
Phần lớn thông tin giả ở Ấn Độ được lan truyền thông qua WhatsApp, một ứng dụng nhắn tin phổ biến.
Hồi tháng 11 năm ngoái, ngay sau khi chính phủ tuyên bố về tiến trình cải cách tiền tệ, một đoạn tin nhắn đã lan tràn trong đó nói rằng tờ tiền giấy mệnh giá 2.000 Rupee mới phát hành có gắn một chip điện tử công nghệ nano có khả năng định vị toàn cầu. Một thông tin giả khác còn nói về tình trạng thiếu muối ở Ấn Độ, khiến người dân ở nhiều bang đổ xô đi tích trữ muối.
Rất nhiều thông tin giả đã dẫn đến tình trạng bạo lực. Hồi tháng 5 vừa qua, tin đồn về những kẻ bắt cóc trẻ em tại một ngôi làng đã khiến 7 người chết uổng. Tháng 8, tin đồn về một băng đảng theo tôn giáo huyền bí chuyên làm hại phụ nữ ở miền Bắc Ấn Độ đã gây ra tình trạng hoảng loạn.
Một số thông tin giả còn khuấy động căng thẳng tôn giáo ở Ấn Độ. Trong tuần trước, một số bức ảnh được cho là có cảnh "những kẻ khủng bố Hồi giáo người Rohingya" ở Myanmar tấn công người Hindu lan tràn trên mạng xã hội Ấn Độ, dấy lên sự thù hận trong cộng đồng người Hindu ở nước này.
Sự lan tràn của thông tin giả ở Ấn Độ đã dẫn tới việc một ngành công nghiệp mới được thành lập, chuyên xác thực thông tin trên Internet. Pratik Sinha là một cựu kỹ sư phần mềm, người đã thành lập website xác thực Altnews.in.
"Số lượng thông tin giả lớn đến nỗi chúng tôi không thể đạt được chất lượng cần thiết đối với công việc xác thực của mình" - ông Sinha nói - "Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào chất lượng".
Những người xác thực thông tin thường đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau - một số là nhà báo, phóng viên, số khác là kỹ sư máy tính, một số chỉ là thường dân...
Asavari Sharma, một thường dân ở Mumbai, là một trong số những người lan truyền các bức ảnh liên quan tới siêu bão Phyan trên Facebook. Cô còn viết dòng bình luận rằng "Siêu bão Phyan đang đổ bộ: Hy vọng tất cả những người trong danh sách bạn bè của tôi được an toàn".
"Thực ra tôi không bao giờ tin vào dự báo thời tiết bởi có lúc chúng chả bao giờ xảy ra" - Sharma nói - "Nhưng lần này tôi thấy họ đăng cả một số bức ảnh chụp vệ tinh nên tôi đăng tải trên Facebook của mình".
Đến chiều hôm đó, tin đồn về siêu bão Phyan đã đến tai chính quyền. Cơ quan Kiểm soát Thảm họa của Mumbai đã đăng trên Twitter: "Không hề có cảnh báo siêu bão nào ở Mumbai. Người dân được khuyến cáo không nên lan truyền tin đồn thất thiệt".