Khốn khổ sống chung với nhà máy xi măng ngàn tỷ
Trong đơn kiến nghị của các hộ dân xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An - sống cạnh nhà máy xi măng Sông Lam phản ánh tới Pháp luật Plus, từ nhiều tháng nay cuộc sống bà con dường như bị đảo lộn… mỗi ngày họ bị “hành hạ” bởi ô nhiễm tiếng ồn, nước thải …
Tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn hiện có 8 hộ gia đình đang có nhà nằm sát nhà máy với khoảng cách từ 100 - 200m. Bà Lê Thị Nguyệt (SN 1954) có nhà cách chân nhà máy khoảng 200m bức xúc: “Từ lúc nhà máy đi vào hoạt động ngày nào gia đình tôi cũng bị hành hạ bởi bởi tiếng ồn, bụi bặm… hàng chục hộ được di dời, nhưng hiện nay tôi vẫn phải ở lại đây. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn không nhận được trả lời”.
Cũng sống “sát vách” nhà máy xi măng này nên gia đình ông Trần Văn Ân cũng “lãnh đủ”. Ông Ân cho biết: “Đêm nào tôi cũng không được ngủ yên, tiếng ồn từ máy xay đá suốt đêm. Máy hoạt động ầm ầm khiến tôi không thể chịu nổi. Tôi mong muốn được di chuyển đi chỗ khác nhưng làm đơn kiến nghị gửi lên cấp trên lâu rồi đến giờ cũng chưa thấy động tĩnh gì”.
Người dân bức xúc đưa phóng viên đến ngay khu vực nhà máy mới đổ bùn thải đen ngòm. |
Mưa thì bùn tràn vào vườn, nắng thì bụi bặm, ngủ thì tiếng ồn từ nhà máy này gây ra, muốn di dời lắm nhưng họ chưa giải quyết cho dân chúng tôi, bà Lê Thị Duyên một hộ dân tại đây cho biết.
Được biết, các hộ dân nơi đây nằm trong diện bị ảnh hưởng nhưng lại không thuộc đối tượng để di dời bởi thế trong nhiều năm qua, nhà nứt hư hỏng những hộ dân này muốn sửa chữa nhưng chính quyền họ không cho phép. Bởi phải giữ nguyên hiện trạng để tính phương án đền bù, tuy nhiên ến thời điểm này vẫn không có ai đến kiểm đếm. Họ mong mỏi được di dời đến khu vực tái định cư để thoát khỏi cảnh khốn khổ khi đã bị hành hạ trong suốt thời gian qua.
Sợ hãi nhìn những dòng bùn thải tràn xuống ruộng vườn
Đặc biệt, trong các đợt mưa vừa qua, huyện Đô Lương cũng như xã Bài Sơn mưa rất to và người dân xóm Đô Sơn phải chứng kiến cảnh bùn thải có màu đen tràn xuống nhà cửa, ruộng vườn... Nhìn từng dòng nước cuốn theo bùn thải đen ngòm tràn xuống ruộng vườn, người dân tại đây không khỏi lo ngại. Bản thân họ không biết trong lớp bùn thải ấy chứa những chất nguy hiểm gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không nhưng họ rất lo sợ.
Lớp bùn thải mới được đổ ra từ những chiếc xe có màu đen đặc quánh. |
Theo chân những người dân tại đây, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy nhiều vệt nước chảy lênh láng, phía chân tường nhà máy có lớp chất thải màu đen, đặc quánh kéo dài từ đỉnh đường chảy xuống dọc ta luy xuống nền đất sát nhà dân. Thời điểm này có hai chiếc xe ô tô tải to vẫn ngang nhiên đổ bùn thải này xuống vị trí sát bờ rào cạnh nhà máy tràn xuống phần đất của dân.
Một lượng lớn bùn màu đen được đổ ra môi trường từ những chiếc xe này. Theo người dân, việc đổ thải bùn như thế này là việc làm thường xuyên của nhà máy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, với những phản ánh của người dân chúng tôi đã báo lên cấp trên, hiện tại tỉnh đang xem xét, về việc tái định cư vì do trước kia các hộ dân này không thuộc diện phải di dời nên chưa có phương án.
Nhiều hộ dân mong muốn được di dời đến nơi ở mới để thoát khỏi tình trạng khốn khổ nhưng hiện tại họ vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng. |
Ông Đậu Văn Chinh - Phó trưởng phòng TN&MT huyện Đô Lương cho biết: Phản ánh của người dân tại đây chúng tôi đã nhận được và có cơ sở. Phòng đã cùng với chính quyền địa phương lập biên bản sự việc, đồng thời đề nghị Công ty CP xi măng Sông Lam khắc phục những hạn chế trên. Đồng thời, huyện đã báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý. Vấn đề này chúng tôi làm rất quyết liệt.
Vừa qua chúng tôi có biết lượng nước màu đen đã xả thải ra khi nhận được phản ánh của bà con chúng tôi đã xuống kiểm tra và lập biên bản, lấy mẫu và báo lên Chi cục môi trường Nghệ An. Hiện kết quả của lượng nước thải màu đen vẫn chưa có nên chưa biết thế nào.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng “nghiên cứu” xử lý thì những người dân tại đây vẫn phải khốn khổ khi bị hành hạ mỗi ngày. Họ mong muốn sớm được di dời đến nơi ở mới để ổn định đời sống.
Theo Phapluatplus