Hệ tâm luận của văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hành trình đường xa vạn dặm của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, trong 9 năm với ca trù, tôi đã không theo dõi từ đầu. Cả ca “hồi sức cấp cứu” anh mới thực hiện với thang âm cồng chiêng, tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng. Thậm chí, chẳng đủ tự tin để gửi một dòng chúc mừng lên tường nhà anh, sau khi dự án đại thành công.

Nhưng kể từ buổi nghe anh nói chuyện ở Đại học KHXH&NV, tôi hiểu với anh, cụ Nguyễn Phú Đẹ (nghệ nhân, kép đàn nhà nghề cuối cùng của Ả đào) quan trọng thế nào, thì bản thân anh cũng quan trọng với người viết báo về di sản, văn hóa như tôi ngần ấy. Xin số anh qua một tiền bối khác, tôi đặt hẹn chớp nhoáng, cốt gặp kỳ được anh cho cuộc phỏng vấn vào sáng cuối tuần tại Hà Nội. Cuộc gặp lướt qua ngay trước mũi một chuyến đi khác, chắc hẳn cũng với và vì cổ nhạc, của anh.

Hệ tâm luận của văn hóa Việt ảnh 1

Tác giả, nhà báo Nguyệt Linh

Về âm nhạc truyền thống, tôi có nói gì, bàn gì, cũng là lạm. Thế hệ của tôi, ngay cả lời ru tấm bé, cũng đã được thay bằng nhạc Đông Âu, rồi nhạc quốc tế thịnh hành của thập niên 80, 90, mọi đối sánh tôi có, chỉ có thể nhìn từ khuôn dòng của những nốt đen nốt trắng.

Phương Tây ngợi ca cấu trúc âm nhạc của Bach, ví von ông xây lâu đài bằng thanh điệu. Tôi nghe Bach đôi khi cũng nản, chỉ Debussy là mê đắm. Nhưng cái "ổn" của nhạc Bach, người không quá am tường về âm nhạc là tôi, cũng lờ mờ phải hiểu. Đó là thứ âm điệu mạch lạc, hòa âm sáng rõ, có những đoạn cao độ và trường độ dường như ứng khớp tuyệt vời với cấu trúc lý tính (một dạng Deja vu) mà có lẽ bẩm sinh ai ai cũng mang trong mình.

Và nghệ thuật, lạy trời nếu không phải giống loài ta tự huyễn hoặc, hẳn sẽ nằm trên chính cái giao điểm phổ quát ấy. Nghệ thuật phải là tiếng đồng vọng, bên cạnh phức cảm cá thể, phông nền bối cảnh.

Nói về ca trù, trên thềm tuổi mới lớn tôi luyện đọc văn học tiền chiến, từ đó tập tọng nghe thử không ít thứ âm nhạc này. Bởi vẻ đẹp của tiếng người, dáng người, âm đàn nhịp phách trong thi ca của các cụ. Nhưng tôi chọn nghe những bản thu mới, có lẽ vì đôi tai non trẻ còn “điếc đặc” giọng cổ. Hồi ấy tôi nào hiểu nghe băng mới, đào mới là nhịp phách lộ cộ. Tôi hồn nhiên tin di sản phải là một khối nguyên hình nguyên tảng các cụ giao cho, như cái túi khôn không bao giờ cạn, đào kép cứ thế lôi ra đàn hát. Nhưng rồi ép tai thế nào, tôi cũng chỉ nghe ra những âm loảng xoảng, những tiếng ứ hự, thậm thụt… thật kỳ quái. Tôi ỉ eo trách tiền nhân, những ông Bằng, ông Nguyễn, té ra các ông mê bà Chu, cô Mùi, rồi tâng thể loại này lên tận chân mây.

Chỉ đến khi bập vào ca cổ, cơn hờn rất láo ấy mới hết hẳn. Tôi hiểu, à, một khi các cụ ra tay phách tay trống thì thế hệ các cháu rap rủng bây giờ chỉ có nước… khóc tràn bờ đê. Và chuyện đêm đi hát Ả đào độc nhất vô nhị, ông Nguyễn tả có thể khiến “người thiên cổ bật nắp ván thiên mà nhỏm dậy", là văn hiện thực chứ chẳng đâu xa.

Có những đêm sâu, tôi ngồi nghe lại bản thu của các tiền nhân cổ nhạc như cụ Nguyễn Thị Phúc, cụ Quách Thị Hồ, cụ Đinh Thị Bản. Một lần nữa sự mạch lạc của hệ thống, vẻ đẹp của một cấu trúc hữu tồn lý tính, lại lần nữa ứng khớp trong tôi.

Cảm giác ấy, tôi rất thích, thấy vô cùng chỉnh với một khái niệm anh Bùi Trọng Hiền từng nêu về việc các cụ dạy âm nhạc truyền thống theo kiểu thầy truyền trò thụ, chẳng cần hệ thống khoa học lý thuyết xương sống nào cả, đó là “hệ tâm luận”. Hệ tâm luận sâu xa cội rễ. Hệ tâm luận văng vẳng trong đêm sâu, nơi những cuốn băng thâu giọng tiền nhân lan tỏa cái hay, cái đẹp trường tồn của cổ nhạc vươn ra khỏi chiều khích không gian và thời gian, sống động trong tâm thức người Việt. Đó không hề là những hỗn âm nôm na mách qué, lờ nhờ, mịt tối như tôi từng tưởng hay một số nơi đã và đang trình diễn dưới cái mác "dân gian đương đại".

Dẫu vậy, tôi vẫn một mực tin đương đại là một xu thế đầy tiềm năng. Và đập phá, cấu cào, phần nào cũng có cái ích của riêng nó. Nhưng, như bài học khai tâm về con chữ đầu tiên, ta phải hiểu thế nào là chân phương nghiêm ngắn, rèn cặp mình để biết nào đúng nào sai. Rồi sau tách thầy lẻ bạn, hành, thảo, cuồng loạn, có uốn éo chi cũng không sai khác cái gốc ban đầu. Đừng biến mình thành thứ dị bản chẳng ai hiểu mà cũng chẳng ích góp cho đời. Tiếc là ngày càng nhiều bạn trẻ, người trẻ làm nghệ thuật quên bẵng đi điều giản dị ấy.

Gỡ đến cuối cái băng nói chuyện với anh Hiền, gặp lại di sản tinh thần rất thấm của cụ Trần Quốc Vượng, lời cụ từng nói trong một hội thảo năm nao nào đó. Vẫn là cái nét chẳng giống ai và chẳng ai giống được, của cụ.

“Văn hóa Việt Nam ở trong tình trạng nồi cám lợn hổ lốn. Cái hay cái dở, cái xấu cái tốt, cứ thế trộn vào, nấu sôi lên sùng sục. Có cái người ta ăn thừa, thiu thối, vứt đi, mình mang nhặt về. Nhưng cũng có cái đã thật chỉn chu, như tấm, như rau, rửa sạch thái nhỏ…”

Làm sao gạn đục khơi trong? Giữa thượng vàng hạ cám làm sao nhận ra những tấm cùng rau ấy?

Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
Indonesia kêu gọi D-8 thúc đẩy Phong trào phương Nam toàn cầu
(Ngày Nay) - Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto kêu gọi Tổ chức Hợp tác Kinh tế 8 nước đang phát triển, hay còn gọi là D8, vượt ra ngoài hợp tác kinh tế, trở thành một phong trào “Phương Nam toàn cầu” nhằm ủng hộ một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn dựa trên luật pháp quốc tế, tính bao trùm, công lý và thịnh vượng chung.