Chiều nay (23/11), đại diện các nhà mạng: MobiFone, Viettel, VinaPhone, Vietnammobile, Gtel bắt đầu giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau về việc khóa sim (khóa dịch vụ) đối với các thuê bao có dấu hiệu kích hoạt sẵn tồn trên kênh phân phối dưới sự giám sát, chứng kiến của đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tổ công tác sẽ kiểm tra chéo hệ thống quản lý thuê bao và hệ thống HLR (hệ thống giao tiếp tổng đài) của nhau, lấy số thật để kiểm tra quy trình cắt/hủy sim rác (khoảng 20 số ngẫu nhiên) đồng thời kiểm tra việc đăng ký lại thông tin thuê bao xem có đúng không và rà soát danh sách thuê bao ngoại lệ.
Bộ trưởng cũng nhận được tin nhắn rác
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn bất ngờ tham gia giám sát, không thông báo trước. Ông bắt đầu chuyến "vi hành" tại nhà mạng VinaPhone.
Theo báo cáo của nhà mạng này, họ bắt đầu thực hiện việc khóa sim rác từ 16h ngày 18/11 đến 8h ngày 23/11. Tổng số sim rác đã bị khóa khoảng 3,7 triệu thuê bao trong đó có khoảng 200.000 thuê bao đăng ký lại thông tin.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá sim rác và hệ lụy từ vấn nạn này là điều dư luận rất quan tâm. Nó để lại rất nhiều hệ lụy không chỉ lãng phí tài nguyên số, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vấn nạn sim rác tạo ra rất nhiều chuyện đằng sau, chẳng hạn như tin nhắn có tính chất khủng bố.
“Bộ kiên quyết xử lý vấn đề này và để xử lý được Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải trực tiếp vào cuộc, lãnh đạo Bộ, các đơn vị liên quan cũng phải vào cuộc ngay từ đầu. Các nhà mạng không làm nửa vời, không làm theo thời vụ mà phải làm quyết liệt, thường xuyên để chặn đứng vấn nạn sim rác, tin nhắn rác”, ông Trương Minh Tuấn yêu cầu.
Tuy nhiên, vừa kết thúc buổi làm việc tại đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã nhận được tin nhắn rác.
Làm việc với Tổng Công ty Viễn thông MobiFone ngay sau đó, ông cho hay: “Tôi vừa cho ông Trung (Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung – PV) xem tin nhắn đó. Tôi giao Cục Viễn thông, thanh tra Bộ phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra chéo để chấm dứt tình trạng này”.
Tổng số sim tồn kho không nhận được tin nhắn từ nhà mạng đã bị khóa ở MobiFone là 2,5 triệu sim, Viettel là 3 triệu sim, còn VinaPhone là 3,6 triệu sim. |
Lượng khiếu nại tăng vọt
Theo báo cáo của MobiFone, đến thời điểm hiện tại, khoảng hơn 3 triệu thuê bao của nhà mạng này đã bị khóa. Việc khóa sim rác được thực hiện trong khoảng thời gian từ 22h ngày 21/11 đến 5h30 ngày 23/11. Trong đó, tổng số thuê bao đã đăng ký lại thông tin (chuẩn hóa thông tin, cập nhật thông tin) khoảng 200.000.
Duy chỉ có Viettel là chưa thực hiện xong việc khóa sim rác. Nhà mạng dự kiến khóa 3,6 triệu thuê bao. Tuy nhiên, thời gian triển khai từ 0h ngày 20/11 đến 24h ngày 21/12. Hiện có khoảng 100.000 thuê bao rác của Viettel đăng ký lại.
Trước khi khóa sim, các nhà mạng thường gửi ít nhất 3 tin nhắn thông báo tới khách hàng. Sau đó, họ thực hiện việc khóa chứ chưa hủy sim. Thời gian hủy sim còn phụ thuộc vào thời gian khách hàng sử dụng sim đó, thông thường từ 60-360 ngày sau kể từ khi thuê bao bị khóa.
Tổng số sim tồn kho không nhận được tin nhắn từ nhà mạng đã bị khóa ở MobiFone là 2,5 triệu sim, Viettel là 3 triệu sim, còn Vinaphone là 3,6 triệu sim.
Đáng chú ý, tổng đài MobiFone đã nhận được hơn 1.000 khiếu nại từ khách hàng về việc này.
Báo cáo trước Bộ trưởng, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho hay kể từ khi thu hồi sim rác, lượng khách hàng gọi tới tổng đài để khiếu nại tăng khoảng 30%. Đơn vị đã và đang phải tăng gấp đôi số nhân viên trực tổng đài để giải đáp thắc mắc, khiếu nại liên quan chuyện này.
Trao đổi với ttruyền thông, một vị đại diện đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay ông đề xuất các nhà mạng tới đây nên đưa phần mềm nhận dạng thông tin chứng minh thư, hộ chiếu… vào hệ thống để tiện quản lý chuyện này.
Theo kế hoạch, tới khoảng 0h đêm nay, việc giám sát, kiểm tra chéo giữa các nhà mạng mới kết thúc.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ ông biết rằng việc thu hồi sim rác sẽ gây ảnh hưởng đến một số người dùng, số lượng thuê bao của doanh nghiệp, đại lý, “nhưng mà phải làm và làm dứt điểm thì mới bảo đảm được quyền lợi cho người dùng chân chính”.
Ông đề nghị Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan có chính sách khuyến khích thuê bao trả sau. Tới đây, Bộ cũng sẽ trình Chính phủ xây dựng chính sách để đảm bảo quyền lợi của thuê bao trả sau.
“Thuê bao trả sau phải có lợi hơn nhiều so với thuê bao trả trước. Còn sim rác thì phải xử lý cho tốt. Tôi tin chắc rằng khách hàng cũng sẽ ủng hộ chúng ta về việc này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Zing