Sáng 20/3, HĐXX TAND TP. Hà Nội chính thức đưa ra kết quả sau phiên tòa sơ thẩm liên quan đến vụ tranh chấp bản quyền vở thực cảnh "Ngày xưa" (Thuở ấy xứ Đoài) giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu), và công ty CP Đầu tư tổng hợp Truyền thông DS (DS) do ông Nguyễn Việt Tú làm giám đốc.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra sáng 20/3 |
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định, đạo diễn Việt Tú là tác giả duy nhất của vở thực cảnh, Tuần Châu không phải là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên năm 2015, Tuần Châu là chủ sở hữu tác phẩm. Việc DS đăng ký quyền sở hữu tác giả là không đúng. Do đó, DS cần chuyển giao kịch bản vở diễn "Ngày xưa" cho Tuần Châu.
Đạo diễn Nguyễn Việt Tú có các quyền nhân thân như quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Ngoài ra, việc Nguyễn Việt Tú cung cấp thông tin cho báo chí không phải là công bố tác phẩm nên không xâm phạm quyền sở hữu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, việc Tuần Châu yêu cầu đạo diễn Việt Tú chấm dứt hành vi này là không hợp lý và không có căn cứ.
Tòa án cũng bác đơn kiện yêu cầu DS phải bồi thường 6,2 tỷ đồng của Tuần Châu. Lý do được HĐXX đưa ra là hợp đồng nguyên tắc ký giữa các bên là không được chuyển nhượng tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào cho bên thứ ba. Tuy nhiên, phía Tuần Châu đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, rồi ký kết với công ty Sen Vàng để xây dựng vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ", thay thế cho vở "Ngày xưa". Đây là lựa chọn của Tuần Châu chứ không phải lỗi từ phía DS.
Cùng với việc bác đơn kiện yêu cầu DS bồi thường 6,2 tỷ đồng, Tòa tuyên Tuần Châu phải bồi thường những khoản chậm thanh toán và doanh thu 10% từ vở diễn cho DS với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Tòa cũng không đồng ý với yêu cầu đòi hơn 350 triệu đồng là chi phí mời luật sư vì xác định, Tuần Châu có một phần lỗi. Bởi lẽ, DS đã 2 lần gửi email thông báo cho Tuần Châu đăng ký bản quyền tác giả, nhưng Tuần Châu không phản hồi.
Tòa án cũng căn cứ vào các công văn trả lời của Cục Bản quyền tác giả và trình bày của một số người liên quan từng làm việc với đạo diễn Việt Tú xác định, vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" và Vở diễn "Ngày xưa" có nhiều điểm giống nhau về câu chuyện, trang phục, bối cảnh…
"Tinh hoa Bắc Bộ" là vở diễn có sau, sử dụng trang phục, âm thanh… của vở có trước, cùng một loại hình nên không được coi là tác phẩm độc lập. Tòa xác định đây là tác phẩm phái sinh từ vở “Ngày xưa”.
Theo đơn kiện, năm 2015 - 2016, Tuần Châu đã ký hợp đồng kèm phụ lục trị giá hơn 7,4 tỉ đồng nội dung với đạo diễn Việt Tú, nhằm xây dựng vở diễn thực cảnh Ngày xưa, hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài.
Thực hiện hợp đồng, năm 2017, Tuần Châu đã thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7,3 tỉ đồng; chi hơn 5,9 tỉ đồng, nhằm phục vụ việc biểu diễn, nhưng DS lại vi phạm các thỏa thuận đã ký.
Phía Tuần Châu cho rằng, chính mình đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn “Ngày xưa” nên phải được sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú đã tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền; khai thác trái phép nhãn hiệu “Thủa ấy xứ Đoài”.
Tháng 3/2018, chủ đầu tư "Tinh hoa Bắc Bộ" đâm đơn kiện đạo diễn Việt Tú, yêu cầu bồi thường 6,2 tỉ đồng với lý do Việt Tú cố ý xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả, kịch bản, ý tưởng sân khấu thực cảnh.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào chiều ngày 14/3, đạo diễn Việt Tú cho biết: Ý tưởng về vở diễn thực cảnh về rối nước được anh ấp ủ từ năm 2010, 5 năm trước khi ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội bởi gia đình anh là một gia đình có truyền thống nghệ thuật về rối nước. Đồng thời, Việt Tú cũng đưa ra một số chứng cứ khẳng định điều này.
Đạo diễn Việt Tú trả lời báo chí sau phiên tòa |
Trả lời báo chí sau phiên tòa phúc thẩm, đạo diễn Việt Tú chia sẻ: "Tôi nghĩ đây là thời khắc lịch sử không chỉ cho riêng tôi mà còn cho tất cả các nghệ sĩ hiểu được giá trị của sự sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ. Tôi đã chờ đợi giây phút này rất lâu, thực sự đã rất… rất lâu.
Tôi cảm thấy mình may mắn vì ở thời điểm này không chỉ nhiều người trong xã hội mà ngay cả những cơ quan hành pháp, luật sư, những người trực tiếp tham gia vào hệ thống hành pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Ngay lúc này, tôi có rất nhiều cảm xúc vì tôi cho rằng điều quan trọng nhất với tất cả các nghệ sĩ có một ước mơ trong nền công nghiệp giải trí, trong nền công nghiệp nghệ thuật đó chính là quyền sở hữu trí tuệ, sáng tạo của mình cần phải được tôn trọng, cần phải được hiểu đúng giá trị".