Chiều ngày 14/3, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chương trình nghệ thuật giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty truyền thông DS, do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc.
Tại tòa, đại diện Công ty Tuần Châu Hà Nội cho biết, vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện Công ty DS. Tuy nhiên, phần bồi thường thiệt hại trước đó Công ty Tuần Châu Hà Nội yêu cầu Công ty DS bồi thường 6,2 tỉ đồng, nay giảm xuống còn 6 tỉ đồng do đã tính toán lại.
Phiên tòa sơ thẩm chiều ngày 14/3 - Ảnh: PLXH |
Luật sư Trương Anh Tú, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Tuần Châu Hà Nội trình bày căn cứ khởi kiện. Theo vị luật sư này, năm 2015 - 2016, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã ký hợp đồng kèm phụ lục trị giá hơn 7,4 tỉ đồng nội dung với đạo diễn Việt Tú, nhằm xây dựng vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”, hay còn gọi là “Thuở ấy xứ Đoài”.
Thực hiện hợp đồng, năm 2017, Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội đã thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7,3 tỉ đồng; chi hơn 5,9 tỉ đồng, nhằm phục vụ việc biểu diễn.
Với những căn cứ trên, phía Tuần Châu cho rằng, chính mình đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn “Ngày xưa” nên phải được sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú đã tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm tại Cục Bản quyền.
Tháng 3/2018, chủ đầu tư “Tinh hoa Bắc Bộ” đâm đơn kiện Việt Tú, yêu cầu bồi thường 6,2 tỉ đồng với lý do đạo diễn cố ý xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả, kịch bản, ý tưởng sân khấu thực cảnh.
Phản tố lại yêu cầu của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội tại phiên tòa, đạo diễn Việt Tú cho rằng: Ý tưởng về vở diễn thực cảnh về rối nước được anh ấp ủ từ năm 2010, 5 năm trước khi ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội bởi gia đình anh là một gia đình có truyền thống nghệ thuật về rối nước. Đồng thời, Việt Tú cũng đưa ra một số chứng cứ khẳng định điều này.
Một cảnh trong vở diễn "Ngày xưa" - Ảnh: ANTĐ |
Bên cạnh đó, trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên có điều khoản: Công ty DS có nghĩa vụ đảm bảo tính pháp lý của vở diễn, đó là lý do khiến đạo diễn Việt Tú cần sớm hoàn thành nghĩa vụ đăng ký sở hữu bản quyền với tác phẩm, trước khi nó được công bố rộng rãi. Phía đạo diễn này cũng khẳng định, đã gửi Email cho phía Tuần Châu Hà Nội để mời đi cùng mình đi đăng ký bản quyền, nhưng không nhận được phản hồi.
Cũng trong phiên tòa này, đạo diễn Việt Tú khẳng định: “Vụ kiện này sẽ là điển hình với giới nghệ sĩ Việt Nam. Điều đau đớn nhất đối với một người nghệ sĩ là khi thấy tác phẩm của mình bị đạo nhái. Chúng tôi sẵn sàng trả lại quyền sở hữu vở diễn nếu phía Tuần Châu Hà Nội thanh toán đầy đủ, chấp nhận tiền bản quyền 10%. Công ty DS hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt hay chiếm hữu những gì không thuộc về mình”.
Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Việt Tú còn đưa ra các chứng cứ về mặt chuyên môn, với việc nhiều đạo diễn gạo cội, hội đồng thẩm định danh giá của Việt Nam xác định vở “Tinh hoa Bắc Bộ” đã được Tuần Châu Hà Nội trình diễn có nhiều điểm tương đồng, sử dụng những chất liệu do đạo diễn Nguyễn Việt Tú sáng tạo từ vở “Ngày xưa”.
Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã công bố một số tài liệu sau quá trình thu thập chứng cứ, trong đó có phần trả lời của Cục Bản quyền tác giả, ý kiến chuyên môn từ Hội Nghệ sĩ sân khấu và một số người làm chứng. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố cũng đã phát biểu một số quan điểm liên quan đến vụ án.
Do vụ kiện có nhiều tình tiết phức tạp, phiên xét xử sơ thẩm đã kéo dài đến 19h30 phút mới kết thúc. HĐXX quyết định sẽ mở phiên phúc thẩm vào sáng 20/3 tới đây.
Trả lời báo chí sau phiên tòa, đạo diễn Việt Tú cho biết: Tôi không đến đây để tranh quyền chủ sở hữu với chủ đầu tư. Mục tiêu chính hôm nay cũng là điều tôi cho rằng mình đã đạt được đó chính là công văn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và ý kiến trả lời phỏng vấn của 5 vị đạo diễn hàng đầu Việt Nam kết luận vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” chính là vở diễn phái sinh từ “Thuở ấy xứ Đoài”.