Thiếu nguồn nhân lực vận hành
Bước vào giai đoạn số hóa, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba bảo tàng đi đầu xây dựng tương tác thông minh 3D/360 bảo tàng ảo. Với tính năng này, công chúng đã có thể tham quan khuôn viên và các phòng trưng bày trong bảo tàng chỉ với vài “cú click chuột”.
Mới đây, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt “Chiếc hộp kể chuyện” hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số bảo tàng. Trước đó, Bảo tàng đã số hóa Phòng Trưng bày Thiên nhiên - Khảo cổ. Thông qua kính thực tế ảo, du khách có thể trải nghiệm hình ảnh các dạng địa hình Thành phố Hồ Chí Minh một cách chân thực. Bên cạnh đó, hiện vật khảo cổ ở một số địa hình được tái hiện bằng hình ảnh ảo và gắn kết với các hiện vật tại chỗ đem lại sự hứng thú cho khách tham quan.
Theo bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày hiện nay đã không còn là việc quá khó như trước . Tuy nhiên, áp dụng sao cho hiệu quả với điều kiện thực tế của từng bảo tàng lại là “bài toán” không hề đơn giản. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công nghệ, số hóa bảo tàng, vận hành, bảo trì trang thiết bị phục vụ và tính hiệu quả mang lại cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm.
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cũng là điểm đến được nhiều công chúng chọn lựa khi tham quan. Đơn vị đã cho thử nghiệm mô hình “Bảo tàng ảo” cùng dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360”, tương tác với robot Batalis, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng…
Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bảo tàng đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để phát triển các dự án chuyển đổi số. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin trong đơn vị còn thiếu nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai ứng dụng. Trong khi đó, mức kinh phí để phối hợp với các công ty công nghệ thực hiện chuyển đổi số đang vượt định mức chi tiêu hằng năm của Bảo tàng.
“Nếu Bảo tàng có kinh phí đảm bảo cũng chỉ dừng lại ở mức chuyển đổi số theo từng gói nhỏ hoặc theo các phòng trưng bày tại đơn vị, hầu hết chưa thể thực hiện chuyển đổi số một cách đầy đủ”, bà Nguyễn Khắc Xuân Thi nói.
Chung quan điểm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ Nguyễn Thị Thắm cho biết, với việc sử dụng công nghệ như mã QR, máy quét Hologram, Bảo tàng ngày càng có nhiều phòng trưng bày nội dung và thí điểm ứng dụng các công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, để vận hành máy móc trơn tru, cần phải có nhân viên kỹ thuật phụ trách mảng công nghệ nhằm kịp thời khắc phục sự cố về phần mềm, công nghệ. Ngoài ra, số lượng công nhân viên hạn chế nên khâu vận hành, quản lý bảo quản tài sản cho đơn vị gặp khó khăn khi có sự cố hoặc có sự kiện lớn.
Tạo trải nghiệm thuận tiện cho du khách
Theo các đại diện quản lý bảo tàng, hoạt động bảo tàng dù thuộc công lập hay tư nhân đều chung mục tiêu gìn giữ và nghiên cứu, chia sẻ văn hóa nghệ thuật và giới thiệu điểm đến tại địa phương. Để đóng góp vào phát triển ngành Du lịch cũng như quảng bá văn hóa về lâu dài, việc nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn là điều cấp thiết.
Là bảo tàng tư nhân mới đi vào hoạt động tháng 6/2023, nằm ngay bên bờ sông Sài Gòn, ở vị trí đắc địa, nhưng việc kinh doanh của Bảo tàng Quang San vẫn trong tình trạng “lấy thu bù chi”.
Đại diện Bảo tàng Quang San, ông Nguyễn Thiều Kiên nhìn nhận, ngành Bảo tàng đang thiếu nhân lực làm chuyên môn, cơ hội nghề nghiệp còn ít, rèn luyện theo kiểu người cũ hướng dẫn người mới, nên nhân sự cần đào tạo lại từ đầu. Bởi vậy, để có thể số hóa một cách bài bản, các bảo tàng cần thời gian dài hơi hơn để hoàn thiện từ bộ máy, nhân lực và kinh phí.
Ông Nguyễn Thiều Kiên mong rằng, khi các bảo tàng ngày càng phổ biến, tiếp cận gần và rộng hơn đến công chúng sẽ góp phần vào quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc, tạo việc làm, tăng cơ hội nghề nghiệp và từng bước giải bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ông Trần Duy Hào - người sáng lập ra nền tảng số hóa 3D/360 và được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ, cho rằng, nhiều hiện vật hiện có giá trị cao nhưng lại đang lâm vào tình trạng “đắp chiếu” để trong kho, thậm chí xuống cấp, bong tróc và hư hỏng nặng theo thời gian.
Do đó, việc nhanh chóng số hóa những hiện vật, di sản này là hết sức cấp bách và cần thiết, vừa để lưu giữ một bản sao kỹ thuật số của từng hiện vật, vừa giúp đưa các hiện vật trưng bày trên không gian số. Theo ông Trần Duy Hào, để thực hiện việc số hóa 3D, các bảo tàng phải bỏ ra kinh phí không nhỏ. Vấn đề ngân sách cho việc số hóa phụ thuộc vào hai yếu tố đó là không gian trưng bày và số lượng hiện vật cần số hóa. Trong khi đó, các bảo tàng lại đang gặp trở ngại về kinh phí, việc số hóa bảo tàng chưa được thực hiện nhiều.
Để chuyển đổi số một cách hiệu quả, theo bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, các bảo tàng cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý bảo tàng cần có sự nhanh nhạy, bản lĩnh và am hiểu công nghệ; phải đa dạng hóa các hoạt động, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong các khâu công tác của bảo tàng; phối hợp với các đơn vị truyền thông kỹ thuật số, khai thác tối đa điểm mạnh của mỗi bên để tạo nên sản phẩm đáp ứng thị hiếu công chúng thời kỳ hội nhập. Cùng với đó, các bảo tàng cần tăng cường thu hút sự hợp tác, tài trợ, xã hội hóa của các tổ chức kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động bảo tàng; xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Ở góc độ chuyên môn, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, số hóa di sản cũng như làm trưng bày, diễn giải di sản là công việc của một tập thể, bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên ngành, nhà bảo tàng học, nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật và cả những người làm giáo dục, truyền thông di sản. Số hóa trưng bày phải là công trình sáng tạo cùng nhau, không đơn thuần chỉ là công nghệ.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số ở lĩnh vực bảo tàng, di sản là vô cùng cần thiết. Sự chuẩn hóa hệ thống dữ liệu hiện vật sẽ giúp cho các bảo tàng có thể kết nối, chia sẻ thông tin thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn kết nối giữa di sản với du lịch ngày càng mạnh mẽ thì số hóa bảo tàng có thể mang về nguồn thu đáng kể và sẽ góp phần tạo nên trải nghiệm thuận tiện, dễ chịu cho du khách.