Do Viện Sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức, hội thảo quy tụ 180 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tập trung đánh giá về hiện trạng đa dạng sinh học tại Sơn Trà, đồng thời đề xuất giải pháp, sáng kiến cho sự phát triển bền vững bán đảo này.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định quan điểm của Đà Nẵng là phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyên biển đảo bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.
Phát triển bền vững Khu du lịch quốc gia Sơn Trà góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, hiện Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch: Quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn rừng đặc dụng.
Tuy nhiên, về phía các chuyên gia dường như vẫn chưa thống nhất hoàn toàn về hướng phát triển Sơn Trà. Có ý kiến bày tỏ quan điểm phải giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà để phát triển du lịch sinh thái.
TS. Phạm Viết Thuận (Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM) cho rằng việc bảo tồn và phát triển kinh tế trên bán đảo Sơn Trà là “không thể đi chung, nếu có đi chung là phát triển theo hướng du lịch lữ hành, tham quan, không bao gồm lưu trú”.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết quan điểm của mình là “giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững, đưa Sơn Trà trở thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên, rạn san hô”.
Ông Vinh cho rằng cần đưa Sơn Trà trở thành điểm du lịch độc đáo, lấy môi trường, đa dạng sinh học làm trung tâm, đó là kinh tế. Đồng thời đề xuất hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân hình thành khu dự trữ sinh quyển thế giới nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước. Phát triển Sơn Trà theo hướng du lịch sinh thái bền vững, với các sản phẩm như tắm rừng, đi xuyên rừng, lặn biển, câu cá, dù lượn, ngắm voọc chà vá, câu cá…
Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến cho rằng "không nên đóng cửa” Sơn Trà mà cần giải quyết cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
GS. Nguyễn Hoàng Trí và TS. Nguyễn Mạnh Hà (thuộc Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam) đề xuất thành lập khu sinh quyển thế giới Sơn Trà-Nam Hải Vân (như mô hình Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm).
TS. Nguyễn Việt Dũng (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) cho rằng cần lập mẫu hình chuẩn về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái với sự tham gia của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Theo đó, nên thành lập Ban quản lý khu bảo tồn/khu dự trữ thiên nhiên bán đảo Sơn Trà; xây dựng đề án phát triển và kinh doanh du lịch Sơn Trà doanh thu, từ đó tăng cường năng lực bảo tồn.
Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quyết định chưa triển khai Quy hoạch du lịch Sơn Trà trong 3 tháng để Bộ VHTT&DL có thời gian tổ chức các hội nghị, hội thảo, buổi làm việc lấy ý kiến về các khía cạnh khoa học liên quan tới việc phát triển du lịch tại Sơn Trà.
“Sau khi có ý kiến cuối cùng của Đà Nẵng, của tất cả các bên, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Trong trường hợp chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa mà là bảo tồn thì đưa Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia thì cũng phải do Thủ tướng ký ban hành quyết định”, Phó Thủ tướng khẳng định.