Đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học (kết thúc trước ngày 15/7, kỳ thi THPT quốc gia 8-11/8), thạc sĩ Lưu Đức Quang (Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng động thái này vẫn mang tính tình thế, chưa căn cơ.
Dẫn ý kiến của chuyên gia y tế, ông Quang cho rằng nếu không có diễn biến xấu hơn, ít nhất cần 2-3 tháng để đại dịch lắng xuống. Do đó khung thời gian năm học 2019-2020 cần khoảng lùi tương đương để tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi đưa con em đến trường, tránh tình trạng cứ đến cuối tuần lại hồi hộp chờ đợi thông báo nghỉ học của chủ tịch UBND tỉnh, thành.
"Dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn muốn năm học mới 2020-2021 bắt đầu từ ngày 5/9. Thật ra ngày khai giảng chỉ mang tính truyền thống, không luật nào quy định, tại sao không tính đến phương án nghỉ lấn sang năm học sau?", ông Quang đặt vấn đề.
Cổng trường liên cấp Nguyễn Siêu, Hà Nội, những ngày học sinh nghỉ học phòng Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành. |
Nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ đến cuối tháng 3, có nơi nghỉ sang đầu tháng 4, tức đã dùng gần hết kỳ nghỉ hè. Thạc sĩ Quang đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán để năm học mới bắt đầu muộn hơn 1-2 tháng so với truyền thống. Khung thời gian năm học 2019-2020 cũng được tịnh tiến theo.
Dựa trên khung thời gian năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra nhiều phương án dạy học. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ lựa chọn thời điểm đi học phù hợp với thực tế địa phương. Như vậy, việc phân cấp thẩm quyền vẫn đúng quy định, đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.
Riêng lớp 12, ông Quang cho rằng phải tạo cơ chế công bằng trong học sinh cả nước bởi các em sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. "Lùi thời gian học sang năm sau có vẻ khó, nhưng vẫn làm được. Đừng vội vàng cho đi học khi xã hội chưa yên tâm, vì khi đó người cho đi học, người cho ở nhà thì mục tiêu giáo dục không đạt được", ông Quang nói.
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng một tuần qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan diện rộng, ngành giáo dục cần tính phương án cho nghỉ học dài ngày, có thể kéo dài 1-2 tháng tới, thậm chí nghỉ hết học kỳ II.
Ông Tống ví dụ, một học sinh lớp 7 năm học 2019-2020 sẽ được ghi nhận kết quả học kỳ I và "nợ" học kỳ II. Ở năm học mới 2020-2021, học kỳ I của lớp 8 dành để dạy học kỳ II của năm lớp 7. Nếu bố trí hợp lý, khoảng hai năm học sẽ kịp bù một học kỳ còn thiếu. Với học sinh lớp 12, kỳ thi THPT quốc gia có thể lùi đến cuối năm.
Thế hệ của ông Tống từng bị gián đoạn học tập vì chiến tranh, nhưng đều được bù đắp bằng nhiều cách. Vì thế ông Tống cho rằng không cần lo nghỉ dài sẽ gián đoạn, ảnh hưởng đến chương trình học hay trình độ của một thế hệ. "Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực. Giáo dục là công việc lâu dài, trễ một học kỳ và sau đó bù lại là cần thiết, vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe", ông nói.
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Thị Ngọc Nhẫn (Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt) lại cho rằng quyết định cho nghỉ học thời gian dài lúc này chưa cần thiết. Bởi nếu dịch chuyển biến tích cực, khoảng thời gian nghỉ kéo dài là lãng phí. Chính quyền địa phương muốn cho học sinh đi học lại thì phải thay đổi quyết định cũ, làm ảnh hưởng tới kế hoạch của phụ huynh, nhà trường. "Mọi quyết định nên dựa theo diễn biến dịch bệnh sẽ hợp lý hơn", bà nói.
Tuy nhiên, bà Nhẫn cho rằng học kỳ II năm nay có thể lấn sang năm học 2020-2021 khoảng 1-2 tháng. Ngành giáo dục địa phương và các trường học có thể sắp xếp lại thời khóa biểu sao cho đảm bảo thời lượng chương trình. Thời gian nghỉ Tết và nghỉ hè năm tới sẽ ngắn đi, sau một năm thì kế hoạch năm học sẽ hoàn thành và trở về theo thông lệ.
Về kế hoạch năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên "chốt" cho học sinh khối 12 và kỳ thi THPT quốc gia, các lớp còn lại nên để mở cho địa phương tự quyết. Bộ cần tạo kho dữ liệu dùng chung để học sinh có thể học trực tuyến. Bằng cách này, các trường sẽ tập trung nhân lực cho khối 12 theo kịp tiến độ và kỳ thi THPT quốc gia.
"Đợt dịch này cũng là cơ hội để Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi chính sách, hành lang pháp lý để công nhận kết quả học tập trực tuyến. Đây là cách để chúng ta chủ động trong những tình huống bất khả kháng mà không bị gián đoạn chương trình", bà Nhẫn đề xuất.
Bà Lê Tuệ Minh (Chủ tịch Hội đồng điều hành Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội và Trường phổ thông liên cấp Edison Hưng Yên) cho rằng việc các tỉnh thành vẫn cho học sinh nghỉ "nhỏ giọt" từng tuần là bất cập, gây bị động cho phụ huynh và nhà trường.
Theo bà Minh, khung năm học kéo dài ít nhất đến tháng 8 năm nay là cấp thiết, tạo hành lang pháp lý cho các tỉnh thành chủ động ban hành lịch nghỉ học gắn liền với biện pháp phòng chống dịch. Phương án công nhận tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh cũng cần linh hoạt, trao quyền chủ động nhiều hơn cho trường đại học. "Phương án mới cần tối thiểu 2-3 tháng để chuẩn bị chứ không thể cứ tính từng tuần và chưa biết ngày mai như thế này", bà Minh nói.
Một năm học kéo dài 35-37 tuần. Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Một tháng rưỡi qua, các địa phương 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học.
Đến 14/3, Covid-19 đã lan ra hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 145.000 người nhiễm bệnh và gần 5.500 người chết. Việt Nam ghi nhận 53 ca nhiễm, trong đó 16 người khỏi bệnh.