Các bạn Singapore được đào tạo bài bản đến mức đôi lúc tôi cảm thấy mặc cảm. Nhưng trong lớp học đó, có một thứ tôi hướng dẫn được cho các đồng nghiệp. Đó là sở trường của tôi và nhiều người làm báo Việt Nam khác: viết về người nghèo.
“Người nghèo” không phải sở trường của các nhà báo Singapore. Phần lớn lớp học, những người làm báo lâu năm tại Quốc đảo sư tử, chỉ đến khi tôi gợi ra chủ đề, mới cau mày nghĩ đến một thực tế chính sách: Singapore không có chuẩn nghèo. Hay nói cách khác, ở Singapore không tồn tại “người nghèo” như một nhóm đối tượng chính sách, cho dù đây là quốc gia có khoảng cách thu nhập giữa nhóm trên cùng và dưới cùng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Hầu hết các nước, dù ở phương Tây giàu có hay như Việt Nam, đều có một “chuẩn nghèo”, một mốc thu nhập mà dưới đó được gọi là nghèo, để tham chiếu chính sách an sinh xã hội của mình. Chính phủ Singapore - một nước giàu - rất tự tin vào việc họ có thể bao cấp nhà ở và mức sống tối thiểu cho phần lớn dân số, nên cho rằng mình không cần thứ này.
Tất nhiên, bài tập nhóm của chúng tôi được thầy giáo khen ngợi. Tất nhiên, tôi cũng không tự hào gì vì mình là một chuyên gia “viết về người nghèo” trong cái lớp học hôm ấy. Nhưng việc biết rằng một nước không có chuẩn nghèo làm tôi suy nghĩ nhiều.
Tôi đọc thêm và phát hiện ra rằng chính người Singapore cũng trăn trở về điều đó. Rằng họ không cách nào biết chính xác có bao nhiêu người đang chật vật với cuộc sống ở dưới đáy xã hội, và phải giúp đỡ những người này thế nào. Quốc gia này, được tiếng giàu có, nhưng luôn nằm dưới đáy các bảng xếp hạng về hạnh phúc hay sự lạc quan, dù được thực hiện bởi LHQ hay các tổ chức điều tra độc lập. Đó là thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, và có đến 26% dân số có thu nhập bằng 1/2 mức trung bình, dù sẽ không bao giờ được gọi là “nghèo”.
Đó là những người lao công, bán hàng, lái xe mà bạn sẽ nhìn thấy cư xử rất nhã nhặn với khách du lịch nước ngoài, nhưng không bao giờ biết rằng đằng sau họ có một gia đình nheo nhóc, một căn phòng 30 mét vuông cho 7 người và gánh nặng chất chồng. Cuộc cạnh tranh leo lên trong cuộc sống tại thành phố nhỏ không có tài nguyên này, là vô cùng khốc liệt.
Sau nhiều năm, một số tổ chức Singapore đã đứng lên và tuyên bố: chúng ta phải hành động, chúng ta không thể chờ chính phủ được, ta tự xác định chuẩn nghèo của mình để hành động, giúp đỡ người nghèo. Nhiều người xứ này tin rằng họ đã bỏ quên thứ gì đó trong cuộc tăng trưởng thần tốc.
Nền kinh tế thị trường chia đều cơ hội, nhưng không đảm bảo cho đường đua công bằng. Trong một cuộc marathon, việc tất cả cùng ở một vạch xuất phát, có cùng một đường chạy và luật chơi chỉ tạo ra sự bình đẳng, chứ không phải công bằng. Việc anh đi giày xịn hơn (vì bố anh giàu), có tiền mua một chai nước ngọt (vì mẹ anh dư dả) hay là đã được dạy cách chạy bài bản (nhờ ơn thầy giáo thể dục trường quốc tế) sẽ tạo ra tốc độ chạy khác. Và đây không phải là sự công bằng trên đường đua. Cũng không phải lỗi của người chạy chậm.
Hôm qua, tại một hội thảo ở Hà Nội, một chuyên gia của Bộ LĐTB&XH có tuyên bố được nhiều báo trích dẫn: “Không có chính sách nào đẹp như hoa hậu được”.
Tuyên bố được đưa ra khi bàn đến chính sách dành cho lao động nữ di cư, những người đối mặt với vấn đề lương thấp, ít được hưởng đủ quyền lợi bảo hiểm, việc làm bấp bênh. Đó là vấn đề chung của các lao động di cư, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực phi chính thức, làm tự do, hoặc làm thuê không có hợp đồng.
Tất nhiên là chính sách không thể đẹp như hoa hậu được, nếu nhìn vào thực tế là ngay cả Singapore - hình mẫu ưu việt của kinh tế châu Á - cũng sẽ có lúc bối rối. Đặc biệt là trong chính sách dành cho những người đang tụt lại: sự hấp dẫn của tăng trưởng là quá lớn, để đôi lúc chúng ta bỏ quên những người này.
Các lao động di cư - mà rất nhiều người trong số họ bạn sẽ bắt gặp trên đường đi làm sáng nay - đặt ra nhiều bài toán mới cho “chuẩn nghèo”. Nhiều người trong số này chấp nhận chất lượng sống tồi tệ để đổi lấy một mức thu nhập trung bình. Họ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ, từ thể chất đến tinh thần, để vượt qua “chuẩn nghèo”. Khi di cư, họ cũng không tuân thủ đủ các quy trình về hộ tịch để có thể được chính quyền gọi tên là “nghèo” theo chuẩn quốc gia. Trong tốc độ tăng trưởng này, chân dung của cái gọi là “nghèo” đang phức tạp dần lên.
Trong khi đó, chính sách không đẹp như hoa hậu. Trong khi đó, các nhóm yếu thế không có cơ hội và khả năng lên tiếng. Và hạnh phúc là một khái niệm tập thể chứ không phải là của kẻ chiến thắng trên đường đua.
Chiều hôm đó, các đồng nghiệp Singapore của tôi dừng lại thảo luận rất lâu, nhiều người lần đầu tiên tư duy nghiêm túc về “chuẩn nghèo”. Nhưng đến cuối, chúng tôi vẫn vẽ được một bức tranh sơ lược, tìm ra chân dung của những đối tượng dưới đáy mà theo các nhà báo, cần được xã hội giúp đỡ.
Chính sách có thể đẹp gần bằng hoa hậu, nếu như mỗi người, ít nhất là bắt đầu từ những người có thể ngồi đọc báo mạng vào sáng nay, nghĩ về thực tế là có ai đó đang bị bỏ lại, và nói về điều đó. Chúng ta không cần chờ đến lúc giàu như Singapore để giật mình ngoái lại phía sau.
Đức Hoàng