Ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Với những ngành từ 25 điểm đến 28 điểm của năm ngoái, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm 2 điểm. Thí sinh dưới mức chuẩn năm ngoái 2 điểm hoàn toàn có thể yên tâm đăng ký. Với những ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 24 điểm trở xuống, điểm chuẩn năm nay có thể giảm 1,5 điểm. Bởi vì từ dưới 24 điểm, nguồn tuyển bắt đầu dồi dào hơn”.
Hiện tại, nhà trường đang khá lo ngại về xu hướng thí sinh rút hồ sơ khỏi trường để nộp vào nhóm trường có điểm thấp hơn do điểm thi năm nay thấp hơn hẳn năm ngoái.
“Nếu tham chiếu vào điểm chuẩn của 2017 thì đúng là có hoang mang, vì năm đó có những ngành điểm chuẩn lên tới 28,25. Chính vì thế, chương trình tư vấn chuyên sâu và hệ thống mạng truyền thông của ĐH Bách khoa đang vận động hết công suất” – ông Điền cho hay.
Năm nay, trường dự kiến sẽ đưa ra 4 mức điểm sàn nhận hồ sơ tùy theo từng ngành. “Mức nhận hồ sơ cao nhất khoảng 22 điểm, thấp nhất khoảng 19 điểm. Mục đích của việc đưa ra nhiều mức điểm sàn là để phân luồng các em dễ hơn”.
Mức điểm sàn 19 thường dành cho các chương trình đào tạo quốc tế. Những chương trình này điểm trúng tuyển có thấp hơn nhưng thí sinh phải đáp ứng yêu cầu về trình độ tiếng Anh. Những em chưa đạt yêu cầu về tiếng Anh thì phát mất thêm 1 năm học tiếng Anh ở trường để có thể nghe hiểu bài giảng.
Theo kinh nghiệm của ông Điền, đa số mức điểm sàn so với điểm trúng tuyển sẽ chênh khoảng 2-3 điểm.
Trước xu hướng điểm thi năm nay thấp hơn, bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, có thể điểm chuẩn năm nay của trường sẽ giảm so với năm ngoái theo xu hướng chung. "Bởi vì điểm chuẩn năm ngoái của Ngoại thương khá cao, dao động từ 26,75-28,25 tùy theo tổ hợp xét tuyển".
Tuy nhiên, thấp hơn bao nhiêu thì hiện tại chưa ai dám khẳng định vì chưa có đủ dữ liệu thông tin thí sinh. Bà Hương cho biết, nếu như năm ngoái khoảng cách chênh lệch giữa điểm chuẩn tổ hợp A00 và các tổ hợp khác là 1 điểm thì năm nay khoảng cách này được rút lại 0,5 điểm. Bà cũng cho biết, phân tích sơ bộ cho thấy nhóm thí sinh nộp vào ĐH Ngoại thương Hà Nội có phổ điểm “chạy” nhiều từ 7,5 tới 8,5.
Thí sinh được đăng ký NV Ngoại thương thoải mái và vẫn có thể đăng ký các trường khác. Nếu rút ra thì mất cơ hội hoàn toàn. Điều chỉnh ở đây là các bạn sẽ đăng ký thêm NV thấp hơn để an toàn hơn, chứ NV trên theo tôi nên giữ, vì không ai dám khẳng định điểm chuẩn là bao nhiêu, trong khi TS được đăng ký NV không giới hạn.
Khối Ngôn ngữ thương mại thông thường điểm chuẩn sẽ thấp hơn một chút so với khối Kinh tế.
Bà Hương chia sẻ, có thể điểm chuẩn năm nay của trường sẽ thấp hơn năm ngoái theo xu hướng chung. "Bởi vì điểm chuẩn năm ngoái của Ngoại thương khá cao, dao động từ 26,75-28,25 tùy theo tổ hợp xét tuyển".
Đại diện trường cho biết, nếu như năm ngoái khoảng cách chênh lệch giữa điểm chuẩn tổ hợp A00 và các tổ hợp khác là 1 điểm thì năm nay khoảng cách này được rút lại 0,5 điểm. Trường ĐH Ngoại thương có lượng hồ sơ ĐKXT khá đồng đều, không biến động nhiều giữa các năm.
Trước thời điểm Bộ công bố điểm thi, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội hạ mức điểm nhận hồ sơ từ 16 xuống 15 điểm cho 2 môn thi THPT quốc gia 2018 với đối tượng xét tuyển kết hợp.
PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, điểm sàn nhận hồ sơ của trường năm nay bằng năm ngoái – 18 điểm.
Điểm trúng tuyển năm nay của ĐH Kinh tế quốc dân có thể giảm từ 1-3 điểm tùy theo mỗi ngành. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường rất cao – từ 23 đến 27 điểm.
Về việc các thí sinh lo ngại điểm thấp có thể rút ra khỏi trường đã đăng ký ban đầu, ông Triệu tư vấn: “Nếu các em đọc kỹ quy chế, các em không nên giao động. Các em chỉ nên thêm nguyện vọng (NV), chứ không nên bớt NV. Lý do là quy chế không hạn chế NV và bình đẳng giữa các NV khi xét tuyển. Đó là 2 nguyên tắc quan trọng. Ví dụ, một em có 10 NV mà trượt 9 NV trên, rơi xuống NV thứ 10 thì em vẫn bình đẳng với các thí sinh nộp NV1 vào trường đó. Khái niệm rút nộp hồ sơ là không có ý nghĩa với phương thức xét tuyển hiện nay”.
Vì thế, ông Triệu khuyên các em cứ bình tĩnh quyết định. “So với các năm trước, đặc biệt là các ngành từ 20 điểm trở lên, các em có thấp hơn từ 1-3 điểm thì cứ mạnh dạn đăng ký. Các em đạt 15 điểm thì cứ mạnh dạn đăng ký ngành 16-17 điểm, vì năm nay xu hướng chung là giảm”.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, ông Nguyễn Thanh Chương cũng tiết lộ, khả năng điểm trúng tuyển của trường năm nay thấp hơn năm ngoái khoảng 1-1,5 điểm. “Có mấy lý do: thứ nhất là phổ điểm năm nay không cao, thứ 2 là năm này điểm ưu tiên giảm. Nhà trường sẽ phải cân đối trong Nam ngoài Bắc để đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp”.
Điểm nhận hồ sơ của ĐH Giao thông vận tải thấp nhất là khoảng 15 điểm.
Một số trường đại học khác ở phía Bắc thông tin, hiện chưa thể đưa ra dự đoán cụ thể gì về điểm chuẩn năm nay.
Đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thực ra chỉ có môn Toán và Lịch sử là có phổ điểm dịch chuyển một chút, nên chưa thể đưa ra dự đoán. Chiều nay, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ họp và cân nhắc.
Đại diện Trường ĐH Thủy lợi tiết lộ, điểm sàn nhận hồ sơ của trường có thể thấp hơn từ 1 đến 1,5 điểm so với điểm sàn năm ngoái mà Bộ đưa ra (15,5 điểm cho tất cả các khối).
Năm nay, Trường ĐH Luật Hà Nội công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ là 18 điểm. Điểm chuẩn năm ngoái của trường khá cao, dao động từ 23,75 tới 28,75 điểm.
Điểm nhận hồ sơ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tương đương điểm sàn năm ngoái của Bộ - tức 15,5 điểm. Năm ngoái, điểm chuẩn thấp nhất của trường 17,5; cao nhất là 32-33 với một số ngành nhân hệ số 2.
Trường ĐH Y dược Hải Phòng thông báo điểm sàn cao nhất là 18 điểm với các ngành: Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học. Những ngành còn lại, điểm sàn là 16. So với đề án tuyển sinh, trường đã hạ điểm sàn, trong đó 3 ngành hạ nhiều nhất là 4-5 điểm.