Dinuguan, Philippines
Tuy không hấp dẫn du khách về mặt thẩm mỹ nhưng món hầm dinuguan lại được nhiều người khen ngợi. Món hầm dinuguan gồm thịt heo với các bộ phận nội tạng như thận, phổi, tim, có thêm tai và mũi được hầm nhừ trong thời gian khá lâu cùng tiết heo. Món ăn này có vị hơi nồng, mùi đặc trưng của các bộ phận nội tạng. Tuy nhiên, việc chế biến món ăn cùng với tỏi, ớt và giấm tạo nên đặc trưng riêng.
Thắng cố - Việt Nam
Thắng cố là
món ăn truyền thống của các dân tộc ở vùng núi Tây Bắc nước ta. Từ thắng cố là biến âm của tiếng “Thoảng cố” – theo tiếng Mông có nghĩa là “nồi nước”. Thắng cố được chế biến tương đối đơn giản nhưng để nấu cho ngon miệng thì người đầu bếp vẫn cần có những bí quyết riêng cùng với nhiều năm kinh nghiệm. Đây được xem như là một món ăn “tả pi lù”, với nhiều thành phần nguyên liệu như: nội tạng, thịt, xương… của ngựa, trâu hay bò.. .được nấu trong một chảo lớn nghi ngút khói. Người dân tộc các vùng núi Tây Bắc thường ăn thắng cố trong các dịp chợ phiên và thường dùng kèm với rượu ngô. Tuy là một đặc sản của vùng Tây Bắc, nhưng không phải du khách nào cũng có thể thưởng thức được món ăn “tả pì lù” này.
Nậm pịa, Việt Nam
Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt trong ruột non của bò hay phân non. Món này khó ăn và bốc mùi, màu nâu sền sệt không bắt mắt nhưng rất đáng thử khi đến Sơn La, Việt Nam.
Nguyên liệu chính gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non. Người làm chọn kỹ đoạn ruột non lấy pịa, đến khi nước ninh xương và lục phủ ngũ tạng sôi già mới đổ vào, có nơi cho thêm mật bò.
Phần ruột non sau khi lấy ra phải được buộc chặt hai đầu, cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tàu, tỏi ớt... Tất cả được băm nhỏ, đun sôi khoảng một tiếng đồng hồ thành chất sệt sệt là ra nậm pịa. Món này có thể dùng làm nước chấm hay ăn trực tiếp như một loại canh, tác dụng giải rượu rất tốt.
Lẩu "phân bò", Trung Quốc
Để làm món lẩu phân bò, đầu bếp phải chuẩn bị nguyên liệu từ vài hôm trước. Bò được ăn cỏ non và thảo dược để cho phân chất lượng tốt hơn. Sau đó, chúng được lấy phần hỗn hợp cỏ chưa tiêu hóa hết trong bao tử và ruột ra làm nguyên liệu, vắt lấy chất lỏng đặc sệt. Thường chất dịch từ ruột non sẽ đắng hơn so với lấy từ dạ dày.
Cho thêm mật bò cùng các loại gia vị bỏ vào nồi, đun sôi trong vài tiếng, sau đó đem ra dùng. Khi thưởng thức, món lẩu phân bò có vị đắng. Thường mỗi người chế biến sẽ có cách nếm gia vị khác nhau nhưng không thể mất được mùi vị đặc trưng.
Ngoài ra, người ta cũng cho thêm một số hương liệu từ các vị thuốc đông y để tạo hương vị khác. Món ăn này thường được người dân ở Đài Châu, tỉnh Quý Châu - Trung Quốc ăn vào dịp Tết, là món ăn yêu thích lưu truyền hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên, những ai mới thưởng thức sẽ rất khó nuốt.
Nước tiểu của bò - Ấn Độ
Nhiều người Hindu tin rằng nước tiểu của bò có tác dụng chữa bệnh. Loại đồ uống này được bán song song với sữa bò và sữa chua. Hồi đầu năm nay, một trung tâm nghiên cứu tại thành phố linh thiêng Haridwar thậm chí còn công bố kế hoạch sản xuất một loại đồ uống làm hoàn toàn từ nước đái bò để cạnh tranh với các sản phẩm của 2 đối thủ Pepsi và Coca Cola.
Đậu hũ thối, Singapore
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, đậu hũ thối lại trở thành món ăn được nhiều người ưa thích ở Singapore. Từ lâu, món ăn này trở nên phổ biến đối với thực khách từ khắp nơi trên thế giới khi du lịch ở đảo quốc sư tử.
Đậu hũ thối làm từ đậu phụ được lên men lâu ngày, mùi thum thủm. Có người làm từ đậu phụ tươi, cho vào hỗn hợp gồm sữa tươi lên men, thịt, rau và có thể thêm hải sản, sau đó để lâu cho có giòi. Đây là món ăn nổi tiếng thường có ở các khu chợ người Hoa, mùi khá khó chịu, được mô tả là giống như mùi rác thối lâu ngày. Tuy nhiên theo nhiều người, món đậu hũ thối có vị béo và ngon hơn nhiều so với đậu hũ thường.
Natto, Nhật Bản
Cũng làm từ đậu nành, món ăn này trông khá "nhầy nhụa" khiến du khách phải rùng mình. Đây là món giàu dinh dưỡng ở Nhật Bản do được làm từ đậu tương nguyên hạt rồi ủ lên men. Đậu tương lên men dù rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng không có mùi dễ chịu. Tuy nhiên, khi đã quen, bạn sẽ nghiền món ăn này. Natto thường được ăn vào bữa sáng với cơm, sushi hoặc cho thêm và mì.
Shiokara, Nhật Bản
Được chế biến bằng cách lên men cá, món Shiokara nặng mùi đến mức không phải thực khách nào cũng dám thưởng thức. Để làm món ăn này, người ta lấy nội tạng cá, đôi khi có thể tận dụng các bộ phận khác của mực nang rồi trộn với 10% muối và 30% mạch nha, sau đó cho vào hũ thủy tinh ủ kín cho lên men.
Ngoài mùi tanh, món ăn còn có vị mặn và chua nhẹ đặc trưng. Nhiều du khách phải uống cùng với rượu để át vị tanh nồng. Dù khó ăn, Shiokara vẫn rất nổi tiếng và là món ăn truyền thống của Nhật Bản.
Hongeo, Hàn Quốc
Món ăn được xếp là một trong những món ăn nặng mùi nhất hành tinh, vậy mà không ít người như phát cuồng mỗi khi ngửi thấy mùi vị của nó.
Những món ăn lên men thường không được ưa chuộng vì mùi nồng, khó chịu của chúng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại với "hongeo" - đặc sản ở Hàn Quốc.
Đầu tiên phải kể tới nguyên liệu chính của món ăn – thịt cá đuối lên men. Những gì các đầu bếp cần làm ở món ăn này là để cá đuối trong tủ đá 15 ở nhiệt độ 2,5 độ C rồi chuyển sang tủ thứ hai 15 ngày tiếp theo ở nhiệt độ 1 độ C cho đến khi cá đuối đã bốc mùi giống như nước tiểu, rồi chúng mới được thái lát mỏng và ăn sống. Khi thịt cá đuối lên men, a-xit uric trong chúng chuyển hóa thành amoniac nên có “mùi vị” rất khó chịu. Mùi vị này không chỉ “để lại vết tích” trong miệng sau khi ăn món Hongeo mà chúng còn ám vào quần áo hay cả tóc của người thưởng thức.
Hongeo được xếp là một trong những món ăn nặng mùi nhất hành tinh và ước tính, người Hàn Quốc tiêu thụ hơn 11.000 tấn hongeo mỗi năm.
Tuệ Linh (th)