Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, đây là diễn đàn để các nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sỹ tham gia Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa của mỗi quốc gia nói chung, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói riêng đến với khán giả trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, hội thảo lần này đã giới thiệu tiềm năng về việc cung cấp các dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong đó, nhấn mạnh đến các chính sách khuyến khích đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực hiện sản xuất phim, đã được quy định tại Điều 13, Điều 41 của Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Đây là một trong những điểm mới của Luật Điện ảnh sửa đổi.
Các ý kiến tại hội thảo đề cập đến nhiều chủ đề như: Vai trò kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa - du lịch qua các tác phẩm điện ảnh; chủ trương, chính sách nhằm thu hút các đoàn làm phim của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; bối cảnh quay phim tại Việt Nam - tiềm năng từ các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh; lợi thế cạnh tranh của thị trường điện ảnh Việt Nam trong việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài…
Nhấn mạnh ảnh hưởng của thời trang, ẩm thực, phong cách từ các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc… đối với công chúng Việt Nam và thế giới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định, phim ảnh hấp dẫn sẽ lôi kéo, dẫn dắt công nghiệp thời trang và du lịch; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia. Điện ảnh Việt Nam nên học hỏi các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, đưa những nét văn hóa đặc sắc, hiện đại vào các bộ phim để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, cũng như hiện đại của đất nước.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế thừa nhận, tỉnh đã triển khai rất nhiều hoạt động quảng bá nhưng so với ngôn ngữ điện ảnh vẫn "không ăn thua". Theo ông Phan Thanh Hải, điện ảnh lan tỏa giá trị văn hóa, di sản rất lớn, hơn tất cả các phương thức truyền tải khác. Điện ảnh là phương tiện quảng bá hữu hiệu. Các địa điểm xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh nổi tiếng đều tạo trend và những cơn sốt: Ví dụ, sau khi phim "Mắt biếc" được chiếu, Huế có café "Mắt biếc", có cây ngô đồng trở thành điểm check in nổi tiếng khi đến Huế…
Ở góc độ của người làm phim, Nhà văn, Nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy nhận định quảng bá văn hóa qua các tác phẩm điện ảnh là cách quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tác động mạnh mẽ nhất và ngay lập tức tới số đông công chúng.
Với tư cách là tác giả văn học, biên kịch bộ phim "Chuyện của Pao", Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho biết, khi phim được chiếu rộng rãi, vùng đất Hà Giang đã được nhiều người biết đến hơn, ngôi nhà là bối cảnh phim trở thành địa điểm dừng chân không thể thiếu trên cung đường du khách đến khám phá Hà Giang. Đối với người dân địa phương, bộ phim giúp họ nhận ra giá trị văn hóa vật chất, tinh thần họ đang nắm giữ và càng tự hào, càng có ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa hơn. Điều này có thể gặp ở nhiều địa phương được chọn là bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Hội thảo lần này giới thiệu tiềm năng về việc cung cấp các dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó nhấn mạnh đến các chính sách khuyến khích đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Việt Nam thực hiện sản xuất phim theo Luật Điện ảnh mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Nhiều ý kiến tâm huyết mong muốn sự kết nối, hợp tác của các địa phương, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị, nhà làm phim khảo sát, khám phá, làm phim thuận lợi.