Mối tình đầu (1978)
Lấy bối cảnh thành phố Sài Gòn trước năm 1975, Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh kể lại câu chuyện tình yêu đầu đời của chàng sinh viên Ba Duy (diễn viên Thế Anh) với cô gái Diễm Hương (diễn viên Như Quỳnh).
NSND Thế Anh trong Mối tình đầu ©Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Nhưng, cuộc tình đổ vỡ khi Diễm Hương buộc phải lấy một cố vấn Mỹ để cứu cha qua cơn hoạn nạn. Ba Duy, vì hiểu nhầm tấm lòng chung thủy của Diễm Hương đã trượt dài trên con đường sa đọa, gặm nhấm nỗi đau mà không biết rằng, người yêu mình cũng mòn mỏi héo hắt vì lựa chọn này. Qua bao biến cố thăng trầm, họ gặp lại nhau và khi hiểu rõ căn nguyên của bi kịch thì Diễm Hương cũng vĩnh viễn từ giã cõi đời…
Poster phim Mối tình đầu © Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Vẫn nặng về ý tưởng mượn câu chuyện tình yêu để lên án chiến tranh, lên án hiện thực xã hội thời đó và đề cao ý chí giác ngộ cách mạng nhưng nỗi đau dở dang của Ba Duy và Diễm Hương qua diễn xuất tuyệt vời của cặp đôi diễn viên chính đã giúp Mối tình đầu "tạo sóng" thời điểm ra mắt.
NSND Thế Anh trong vai Ba Duy © Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Ngoài giá trị nghệ thuật, phim còn đoạt doanh thu cực lớn khi được phát hành ra rạp và trở thành một biểu tượng không chỉ cho diễn viên mà còn trong ký ức của mỗi người.
Chuyện cổ tích cho tuổi 17 (1986)
Một mối tình đầu kỳ lạ, trong trẻo, thuần khiết và hệt như "chuyện cổ tích" do biên kịch Trịnh Thanh Nhã chắp bút, đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn thực hiện.
Chuyện cổ tích cho tuổi 17 © Ảnh: THEGIOIDANHNANH |
An, cô gái 17 tuổi được cô giáo mình cho địa chỉ hòm thư của Thái, con trai cô, đang chiến đấu ngoài mặt trận. Và chàng trai mà cô chưa từng gặp mặt đều đặn nhận được những bức thư chứa đầy tình yêu mong manh thuần khiết và trong trẻo từ người con gái hậu phương mà mình cũng chưa từng gặp mặt ấy.
Dù chưa gặp, nhưng An yêu Thái bằng tất cả rung động bồi hồi của mối tình đầu dù chỉ cảm nhận qua tâm tưởng và thậm chí, từ chối tình cảm của Hải — người bạn cùng lớp thầm yêu An.
Poster phim Chuyện cổ tích cho tuổi 17 © Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Dù sau này Thái mãi mãi không trở về và Hải thì vẫn ôm mối tình si nhưng An vẫn giữ "chuyện cổ tích" đó cho riêng mình, sống mãi với tình yêu mà mình chưa bao giờ gặp mặt… Thái, không phải chỉ là một cái tên, một chàng trai thực thụ và mối tình đầu đó là thứ tình cảm trong trẻo nhất, đại diện cho người con gái hậu phương rung động trước hình ảnh người lính, hiên ngang, dũng cảm ở nơi xa trường…
Vị đắng tình yêu (1991)
Một mối tình khắc cốt ghi tâm trên màn ảnh với thế hệ khán giả thập niên 90, Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng, như bao mối tình đầu kinh điển khác, kể mối tình ngang trái giữa Anh Phương (Thủy Tiên) và Quang Đông-ki-sốt (Lê Công Tuấn Anh).
Cảnh trong phim Vị đắng tình yêu © Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Họ gặp và yêu nhau khi Quang vô tình cứu nàng khỏi đám thanh niên lêu lổng trêu ghẹo. Thế nhưng, mối tình đó lại bị mẹ Phương ngăn cấm bởi bà muốn gán ghép con gái cho Bình — một anh chàng giáo viên nhà giầu.
Dù bị xua đuổi nhưng Quang vẫn hướng về Phương bằng tất cả tình cảm của mình, bằng những lãng mạn của một con tim đang yêu và cả sự chu toàn khi mảnh đạn trong đầu cô bắt đầu hành hạ. Sau ca mổ tâm lý lấy lại thăng bằng cho Phương, cũng là lúc Quang bị Bình tìm cách đẩy ra chiến trường, rời xa Phương.
Poster phim Vị đắng tình yêu © Ảnh: THEGIOIDANHNANH |
Khi trở về, ngoài vết thương chiến tranh thì còn đó, vết thương lòng khi người yêu đi lấy chồng… Và khi mảnh đạn trong đầu Phương một lần nữa phát tác, người bác sĩ mổ cho cô lần này không ai khác, là Quang — mối tình đầu tiên dở dang đó…
Thương nhớ đồng quê (1995)
Giữa bối cảnh làng quê thời kỳ chuyển mình, nơi những người đàn ông lại một lần nữa ra đi, không phải vì chiến tranh mà vì khát vọng làm giầu, để lại những người phụ nữ vò võ một mình, cô đơn, khắc khoải, ngóng trông…
Cảnh trong phim Thương nhớ đồng quê © Ảnh: THEGIOIDANHNANH
Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh xoay quanh mối quan hệ phức tạp của 3 nhân vật: Nhâm, chàng trai 17 tuổi; Ngữ, người chị dâu ngày ngày trông ngóng người chồng làm ăn xa và Quyên, cô gái Việt kiều nay về thăm quê.
Cảnh trong phim © Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Nhâm sống với chị Ngữ trong một nhà, nhưng không biết rằng cậu là chỗ dựa tình cảm duy nhất đối với chị Ngữ trong những ngày sống cô độc xa chồng.
Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh xoay quanh mối quan hệ phức tạp của 3 nhân vật. © Ảnh: THEGIOIDANHNANH |
Chỉ khi xuất hiện Quyên và Nhâm bị hút hồn vào người phụ nữ đó thì những tình cảm thầm kín bên trong của người chị dâu mới trỗi dậy. Và ở giữa hai người đàn bà đó, Nhâm đã có những rung động đầu tiên trong cuộc đời, là câu chuyện của "người nam" và "người nữ".
Chỉ khi xuất hiện Quyên và Nhâm bị hút hồn vào người phụ nữ đó... © Ảnh: THEGIOIDANHNANH |
Mong manh, thổn thức, tội lỗi và thương nhớ… như những dòng thư mà Nhâm viết về làng quê của mình, nơi cảm xúc đầu đời được gửi trôi theo gió, man mác buồn…
Thị xã trong tầm tay (1983)
Vũ (Tất Bình) trở lại Lạng Sơn để thu thập thông tin sau cuộc chiến tranh biên giới Việt — Trung và ở đây, giữa đổ nát của cuộc chiến vẫn còn nóng hổi, những ký ức đẹp về mối tình đầu với người con gái tên Thanh (Quế Hằng) cũng ùa về.
Phim Thị xã trong tầm tay © Ảnh: THEGIOIDIENANH |
Vũ và Thanh yêu nhau ở Hà Nội. Anh từng về thăm nhà Thanh ở Lạng Sơn nhưng khi biết bố của người yêu "có nghi vấn lý lịch" thì Vũ bắt đầu băn khoăn. Giữa sự nghiệp và tình yêu, anh đã chọn rời xa cô, để lại lời hẹn ước về thăm quê cô lần nữa như một dấu hỏi cùng sự ám ảnh theo anh suốt thời gian sau này.
Xem giữa hiện thực sau cuộc chiến, Vũ cũng đi tìm lại chính đáp án cho sự bối rối trong lòng. Anh cũng tìm ra được người xưa, giờ đã là hoa có chủ. Họ có thể nhìn nhau mỉm cười, tưởng như để chuyện xưa qua như gió thoảng, chỉ là một ký ức đẹp nhưng dường như, những tiếc nuối về mối tình đầu vẫn còn khắc khoải.
Cảnh trong phim © Ảnh: THEGIOIDANHNANH |
"Chuyện nàng Tô Thị thì ra là có thật, chỉ có không hóa đá mà thôi", lời tái bút của Thanh trong bức thư gửi cho Vũ không chỉ ám ảnh người xem khi nhớ về mối tình đầu mà còn là câu hỏi cho mỗi người khi hèn nhát trước tình yêu…
Nguồn: thegioidienanh