Đây là con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố. Theo đó, 894 triệu USD là tổng vốn của 68 dự án đã được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại 21 quốc gia.
Viettel đầu tư lớn vào mạng viễn thông tại nhiều quốc gia |
Tuy có 68 dự án đầu tư ra nước ngoài trong 7 tháng đầu năm, song theo Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ có 6 dự án có quy mô lớn. Trong đó, lớn nhất là Dự án đầu tư mạng viễn thông tại Tanzania của Viettel, với vốn đầu tư 355,2 triệu USD.
Một dự án khác cũng của Viettel, là đầu tư mạng viễn thông tại Burundi, với vốn đầu tư 170 triệu USD.
Ngoài ra, còn có các dự án trồng cao su tại Campuchia của Công ty cổ phần An Đông Mia (80,4 triệu USD), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (64,7 triệu USD), Công ty cổ phần Dầu Tiếng - Kratie (63,8 triệu USD) và Công ty cổ phần Tân Biên Kampong Thom (61,98 triệu USD).
Chỉ 6 dự án trên đã có tổng vốn đăng ký 796 triệu USD, chiếm 89% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, 62 dự án còn lại có quy mô vốn không lớn, bình quân chỉ 1,58 triệu USD/dự án.
Như thường thấy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Campuchia vẫn là thị trường có nhiều dự án đầu tư nhất của Việt Nam, chiếm 25% tổng số dự án được cấp chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trong 7 tháng qua. Tuy nhiên, Tanzania mới là thị trường thu hút được lượng vốn đầu tư lớn nhất, với chỉ một dự án, nhưng chiếm 39% tổng vốn đăng ký.
Truyền thông và nông - lâm nghiệp tiếp tục là những lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam. Và có lẽ, đây cũng là lĩnh vực đã giúp Việt Nam thu được trái ngọt sau một thời gian đầu tư ra nước ngoài. Một số doanh nghiệp bắt đầu thu lợi nhuận ở nước ngoài, như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai...
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến hết tháng 7/2014, Việt Nam có 890 dự án đã được cấp phép đầu tư sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 19 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư quy mô lớn chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí (vốn đầu tư từ 20 triệu USD đến 1,8 tỷ USD) xây dựng mạng viễn thông (vốn đầu tư 150 - 500 triệu USD), trồng cao su (50 - 80 triệu USD), ngân hàng (40 triệu USD...).
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến hết năm 2013, có 4,97 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài được giải ngân. Trong 7 tháng đầu năm 2014, vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện đạt 608,9 triệu USD. Con số giải ngân của cả năm ước khoảng 1,15 tỷ USD.