Sau hai ngày làm việc tích cực, dân chủ, ghi nhận tại các cơ sở giáo dục cho thấy, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội bước đầu đi vào ổn định, nền nếp, chưa có vướng mắc lớn.
Tại Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn), Đoàn giám sát do ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã thăm cơ sở vật chất, lớp học, trò chuyện với giáo viên và làm việc với nhà trường để tìm hiểu về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ông Trần Văn Sa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Linh cho biết, nhà trường hiện có 57 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các giáo viên đều có trình độ đào tạo đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu. Nhà trường nằm ngay ở trung tâm huyện, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới gặp nhiều thuận lợi. Trường có 29 phòng học cơ bản, 6 phòng học chức năng khang trang đảm bảo theo tiêu chuẩn của Điều lệ trường Tiểu học, sân trường rộng, khung cảnh sư phạm thân thiện với học sinh. Đồ dùng dạy học, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn được trang bị cơ bản và bổ sung kịp thời, thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.
Nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2016 đối với học sinh lớp 4, 5 và Thông tư số 27/2020 đối với học sinh lớp 1, 2, 3; khuyến khích giáo viên phát huy sáng tạo, lựa chọn những nội dung, những hoạt động giáo dục cần thiết, phù hợp với thực tế cuộc sống để giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống giúp cho các em học sinh mạnh dạn, tự tin hơn.
Về việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, nhà trường có nhiều giải pháp nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nhà trường đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1, lớp 2 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trần Văn Sa cho biết, nhà trường gặp một số khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định. Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo thấp (chưa đến 50%), tỷ lệ giáo viên lớn tuổi cao (trên 60%), việc ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục. Một số lực lượng xã hội quan niệm cho rằng nội dung chính của công tác xã hội hóa giáo dục là huy động kinh phí, dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục chưa đúng mức.
Khẳng định chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đúng đắn và cần thiết, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phù Linh mong muốn Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn bố trí biên chế bảo đảm cơ cấu và số lượng, đặc biệt các vị trí hiện nay chưa có như nhân viên thư viện, thiết bị, công nghệ thông tin và văn thư. Đồng thời, huyện có kế hoạch sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị đồ dùng, tổ chức các chuyên đề, tập huấn về đổi mới nội dung, chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Làm việc tại Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Everest (quận Cầu Giấy) vào sáng 10/3, đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn, đã trực tiếp lắng nghe các ý kiến của thành viên Ban Giám hiệu và các giáo viên của nhà trường.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà trường và các giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại nhà trường đều cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm so với chương trình cũ. Nội dung giáo dục cập nhật, phù hợp với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và định hướng mới của chương trình, được kế thừa từ Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn. Nội dung chương trình tạo điều kiện cho giáo viên có thể chủ động trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Quan điểm dạy học mở của chương trình giúp cho giáo viên không bị áp lực và tự tin khi chuyển từ dạy nội dung kiến thức sang tổ chức các hoạt động hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Bên cạnh một số khó khăn, hạn chế khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Một số phụ huynh còn chưa hiểu rõ, chưa hiểu đầy đủ về chương trình mới, cách đánh giá học sinh theo Thông tư 27 nên còn lo lắng, so sánh giữa chương trình cũ và chương trình mới; các chương trình trải nghiệm, khoa học tự nhiên, các tổ hợp môn Nghệ thuật là vấn đề mới với nhà trường và giáo viên trong quá trình thực thi vì chưa bố trí đủ đội ngũ đã qua đào tạo, gây khó khăn cho việc sắp xếp đội ngũ và chất lượng giáo dục... Lãnh đạo nhà trường còn cho rằng, cấu trúc sắp xếp các mạch kiến thức ở mỗi bộ sách khác nhau dẫn đến việc một số phụ huynh không hiểu hết vấn đề nên còn có những nhận xét đánh giá chưa sát thực, gây hoang mang cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Việc này gây khó khăn khi học sinh chuyển trường mà trường cũ và trường mới không học cùng một bộ sách...
Ghi nhận những mặt tích cực trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại nhà trường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Chương trình còn có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó có việc triển khai các chính sách đồng bộ. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giống như một con đường, để đi đến đích cần phải có những bước đi, cần có quá trình, những đánh giá chính xác, khách quan để kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp, nếu có. Trong quá trình đó, mỗi một vai trò đều quan trọng, không chỉ là sách giáo khoa mà còn từ các nhà quản lý, các giáo viên, cả phụ huynh và học sinh.