Câu chuyện điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang cao bất thường đang là câu chuyện đang được nhiều người quan tâm và chờ kết luận cuối cùng.
Lãnh đạo Hà Giang khẳng định sẽ loại bỏ những điểm không thực chất trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương này. |
Theo thống kê, có 23/ 37 trường hợp thí sinh ở Hà Giang đạt điểm 27 trở lên khối A1 đều thuộc diện điểm thi các môn tổ hợp rất cao. Tuy nhiên điểm thi các môn chỉ dùng để xét tốt nghiệp chỉ từ 3 - 4 điểm trở xuống. Số còn lại đạt điểm cao đều các môn.
Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự ngạc nhiên, đặt nghi vấn về sự minh bạch, nghiêm túc trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang.
Bộ GD&ĐT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình coi thi, chấm thi. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã đến Hà Giang để phối hợp điều tra về sự việc.
Th.sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. (Ảnh: vietnammoi.com) |
Liên quan đến vấn đề trên, Th.S, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Kỳ thi THPT quốc gia là sự kiện quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam. Kỳ thi này phải được tổ chức công bằng, nghiêm túc, khách quan. Mọi sự sai sót, sự cố hay có dấu hiệu tiêu cực nếu có đều phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Đối với vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang trong kỳ thi THPT 2018 thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ nguyên nhân sự việc từ đó có hướng xử lý phù hợp, đúng pháp luật.
Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) lại chỉ ra rằng: Trong trường hợp các cơ quan chức năng rà soát kết quả thi phát hiện ra sai phạm, thì sẽ căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia để xử lý.
Việc xử lý tùy theo mức độ sai phạm, đặc biệt có thể buộc thôi việc, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau:
- Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi;
- Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi;
- Làm lộ số phách bài thi;
- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;
- Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm;
- Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;
- Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh;
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng hành vi sửa điểm có thể bị xử lý hình sự. (Ảnh: Quang Huy) |
Còn Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho rằng: Nếu có người sửa điểm, làm lại hay làm thêm vào bài thi để có điểm cao thì hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhằm làm rõ ai phạm tội, phạm tội gì, mức độ đến đâu.
Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, cơ quan chức năng có thể trưng cầu khoa học giám định hình sự; có thể tiến hành ngẫu nhiên một số hội đồng thi để phát hiện bất thường hoặc cũng có thể lấy các trường hợp học sinh có kết quả học tập của ba năm cấp 3 ở mức trung bình nhưng có điểm tốt nghiệp cao bất thường.
Tổng hợp