Từ đó nuôi dưỡng, bồi đắp lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước. Ðó cũng là yếu tố để tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch bảo tồn và xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giáo dục di sản ở học đường
Ca Huế là một di sản văn hóa độc đáo của cố đô Huế, có lịch sử ra đời, phát triển đã hàng trăm năm, gắn liền với văn hóa quý tộc, văn hóa thượng lưu của Huế khi vùng đất này là kinh đô của đất nước dưới thời quân chủ. Ca Huế là thể loại âm nhạc cổ truyền bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát đào. Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và dòng ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng, thể hiện theo hai dòng lớn điệu bắc và điệu nam với hơn 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc.
Từ một điểm nhấn là việc giới thiệu ca Huế đến học sinh do câu lạc bộ (CLB) ca Huế tổ chức nhiều năm qua tại Trường trung học cơ sở (THCS) Ðặng Văn Ngữ, đến nay những nỗ lực trong việc đưa ca Huế vào học đường được mở rộng. Trong hai năm 2018, 2019, những chương trình tương tự được tổ chức ở nhiều trường học như Trường Dân tộc nội trú Nam Ðông, Trường THCS Phú Xuân, Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc học, Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THCS Chu Văn An... Từ tháng 8-2019, chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo Thừa Thiên Huế tổ chức thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao cho học sinh đã được triển khai trên diện rộng. Các nghệ nhân của chương trình vừa tập huấn hát ca Huế cho 24 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn TP Huế, vừa dạy hát ca Huế cho học sinh của CLB ca Huế tại các trường THCS trên địa bàn thành phố như các trường: Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất và Trần Cao Vân. Sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy, cô giáo cùng các nghệ nhân truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản ca Huế cho các thế hệ học trò.
Trong không gian thơ mộng đậm hồn di sản của lăng Tự Ðức, học sinh Trường THCS Ðặng Văn Ngữ (TP Huế) chăm chú lắng nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ đàn, hát ca Huế. Từng cung bậc réo rắt của đàn tranh, tỳ, nhị, nguyệt; từng khúc ca tri âm ngọt ngào như rót tiếng lòng của ca Huế vào tai các khán giả trẻ tuổi. Những điệu lý, những làn điệu ca Huế, chầu văn: Lý mười thương, Nhớ ơn thầy cô em hát khúc dân ca, Dạo thuyền gặp lúc trăng, Cảnh đẹp Huế đô... mang đậm âm hưởng Huế khiến nhiều du khách ngạc nhiên, thích thú tìm đến nghe.
Nguyễn Lê Bảo Ngọc, học sinh lớp 9, Trường THCS Ðặng Văn Ngữ, cảm động nói: “Chương trình rất thú vị. Ðây là lần đầu em được trực tiếp nghe, thưởng thức các làn điệu do các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn. Từ đây, em hiểu thêm lịch sử, giá trị của nghệ thuật ca Huế, một loại hình di sản cần được gìn giữ của quê hương”.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chương trình đưa ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài. Từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý và hình thành niềm đam mê với ca Huế, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu ca Huế. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ca Huế trong đời sống đương đại”.
Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía
Những nghệ nhân, nghệ sĩ đến với các CLB ca Huế học đường cùng tâm nguyện, chỉ cần được giới thiệu ca Huế với mọi người, họ không quản ngại công sức, thời gian, mặc dù không có thù lao. Nghệ sĩ Diệu Bình tâm sự: “Với ước mong ca Huế sẽ được lưu truyền mãi mãi, chúng tôi luôn muốn tham gia để mang ca Huế đến học đường, truyền niềm đam mê cho học sinh. Chúng tôi đến với ca Huế vì niềm đam mê nghệ thuật và muốn được cống hiến. Chỉ mong ca Huế được quảng bá rộng rãi, nhất là với lớp trẻ, những người có thể tiếp tục kế thừa và bảo tồn di sản này, hoặc sau này có đi xa, các em cũng nhớ về quê hương qua những làn điệu ca Huế”.
Nhưng nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế cần có sự ủng hộ, cộng hưởng từ ngành giáo dục, ngành văn hóa và cả cộng đồng. Nhà thơ Võ Quê đề xuất: “Việc đưa ca Huế vào giảng dạy trong các trường học là giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao để bảo tồn và phát huy giá trị, tạo nên sức sống cho ca Huế. Ðể chương trình thật sự lan tỏa, cần có sự đầu tư lâu dài để các em thấm dần, từ độ tuổi mẫu giáo đến trung học đều được học chương trình dân ca và ca Huế. Như vậy, mỗi học sinh lớn lên đều có thể hát một làn điệu ca Huế - di sản của quê hương bắt đầu từ học đường. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với di sản truyền thống của cha ông để lại”.
Nhiều ý kiến cho rằng, tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh là một “cẩm nang” rất cần cho mọi lứa tuổi học sinh. Việc xây dựng tài liệu giới thiệu về các di sản là việc làm cần thiết, tuy nhiên cần phải được biên soạn phù hợp với từng cấp học, kèm hình ảnh đẹp về di sản văn hóa Huế. Xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản văn hóa Huế nhằm gắn việc học lịch sử với thực tế, tránh lối học thiên về lý thuyết, gây nhàm chán với học sinh. Nội dung xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp ở Huế khá đa dạng và phong phú (di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu...). Bởi thế, việc các trường tổ chức cho học sinh những hoạt động trải nghiệm để tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa cần phải được thực hiện nhiều, thường xuyên hơn nữa.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có kế hoạch xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật ca Huế” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ðiều này có nhiều thuận lợi, bởi ca Huế đã được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia; hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, nếu được đầu tư xây dựng tốt sẽ có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ, do đã thực hiện thành công không ít hồ sơ di sản trước đó. TS Phan Thanh Hải khẳng định: “Xét trên nhiều bình diện, ca Huế có giá trị tiêu biểu, nổi bật không chỉ ở trong phạm vi quốc gia hay khu vực. Ca Huế hoàn toàn xứng đáng được xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Tuy nhiên, điều khó khăn là Việt Nam đang có khá nhiều di sản nằm trong kế hoạch đề cử với UNESCO, do đó hồ sơ ca Huế có lẽ phải vài năm nữa mới có thể đệ trình.
Bởi vậy, việc đưa di sản ca Huế vào trường học là sự chuẩn bị cho tương lai, để di sản này có sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, đặt nền móng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vô giá này một cách hiệu quả và bền vững. Ðiều này có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở vững chắc xây dựng bộ hồ sơ nghệ thuật ca Huế trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong tương lai. Và nếu thành công trong việc trình và bảo vệ hồ sơ để ca Huế được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại thì Huế không chỉ có thêm một di sản mang tầm vóc thế giới, mà còn rất phù hợp với định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.