Kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nỗ lực tìm cách biến lực lượng vũ trang trở nên một nghề nghiệp hấp dẫn hơn. Ông cho biết đã nhận được 65 đề xuất cụ thể từ trong Bộ về tuyển dụng và cải cách phương pháp đào tạo. Ngay cả chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vốn đã chấm dứt tại Đức năm 2011, cũng đang được mang ra tranh luận lại.
Năm 2011, lực lượng vũ trang Đức được cải tổ và thu gọn quy mô. Chính phủ do phe bảo thủ lãnh đạo dưới thời Thủ tướng Angela Merkel muốn tiết kiệm tiền và đồng thời chuyên nghiệp hóa quân đội. Việc giữ một số lượng lớn binh lính không còn cần thiết nữa, thay vào đó, hình thành một đội quân nhỏ hơn, được huấn luyện bài bản, chuyên thực hiện các nhiệm vụ ở nước ngoài. Chính phủ cũng có dự kiến tăng trở lại số lượng quân trong trường hợp căng thẳng hoặc để phòng thủ.
Hiện quân đội Đức được xây dựng theo định hướng một đội quân chuyên nghiệp gồm những người tình nguyện gia nhập, tuy nhiên, người Đức không còn tình nguyện gia nhập quân đội nữa. Một trong những lý do mà nhiều chuyên gia chính sách quốc phòng nêu lên là bộ máy quan liêu của quân đội Đức. Người nộp đơn nhập ngũ thường phải đợi 6 tháng để nhận được phản hồi. Ngoài ra, quân đội Đức không được coi là nhà tuyển dụng đặc biệt hấp dẫn trong thị trường việc làm vốn đang thiếu nhân công.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius đưa ra ý tưởng về tái áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào tháng 12, ông đã phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích, kể cả từ trong đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của mình. Đồng chủ tịch đảng Saskia Esken cho biết sẽ không thể thực hiện tuyển nghĩa vụ bắt buộc trong tình huống đặc biệt "vì các đơn vị đào tạo cần thiết không còn nữa". Sự chỉ trích cũng đến từ đảng Dân chủ Tự do (FDP), thành viên nhỏ nhất trong liên minh cầm quyền. Ông Christian Dürr, lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP, cảnh báo: "Việc áp dụng lại chế độ nghĩa vụ bắt buộc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do của những người trẻ muốn định hướng bản thân một cách chuyên nghiệp".
Tuy nhiên, phe bảo thủ đối lập lại đồng tình. Ông Johann Wadephul, phó lãnh đạo của nhóm nghị viện trung hữu Liên minh cơ đốc giáo CDU/CSU, nói với báo giới: "Quan điểm của CDU là ủng hộ nghĩa vụ quân sự bắt buộc nói chung, tức là cả trong quân đội, lẫn các dịch vụ khẩn cấp khác, sau này sẽ bao gồm các sở cứu hỏa, cơ quan cứu trợ kỹ thuật liên bang và một số tổ chức từ thiện được thành lập để giúp đỡ trong các tình huống khủng hoảng.