Năm 2015, một công việc khuyến khích người tự kỷ làm công việc kiểm tra phần mềm tại Công ty Hewlett-Packard ở Úc đã mang lại những kết quả ngoài mong đợi cho cả hai bên. Chương trình cho thấy người tự kỷ có thể làm tốt công việc và thậm chí tốt hơn rất nhiều lần so với người bình thường.
Phát triển kỹ năng nghề cho người tự kỷ
Đào tạo kỹ năng nghề cho người khuyết tật đã khó nhưng đào tạo kỹ năng nghề cho người tự kỷ mới lại càng khó hơn. Mỗi trẻ tự kỉ có thể phát triển các kỹ năng nghề khác nhau và có thể có những biểu hiện vượt trội trong một số loại công việc nhất định. Ở nhiều quốc gia, chính sách phát triển kỹ năng nghề cho người tự kỷ rất được quan tâm.
Ở Mỹ, trẻ tự kỷ ngay khi được phát hiện mắc bệnh đã được tham gia vào các chương trình can thiệp. Tại đây, các em được theo dõi, đánh giá và phát triển kỹ năng có lợi. Nhà nước cũng tài trợ rất nhiều cho các nghiên cứu về trẻ tự kỷ. Ngòai ra các tổ chức xã hội dân sự do cộng đồng cha mẹ có con tự kỷ lập ra cũng hoạt động một cách tích cực. Các nghiên cứu cũng cho thấy người tự kỷ trưởng thành được đánh giá là có một số kỹ năng đặc biệt về chi tiết, họ trung thực, đúng giờ và có nhiều phẩm chất của một người lao động tốt. Do đó, họ được tạo điều kiện để đảm nhận những vị trí công việc phù hợp. Tuy nhiên, để có thể phát triển kỹ năng nghề cho người tự kỷ, bản thân họ phải được theo dõi, đánh giá trong nhiều năm và theo một chương trình thống nhất từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, sẽ không thể phát triển kỹ năng cho người tự kỷ tốt nếu không có một chính sách hỗ trợ đào tạo toàn diện và lâu dài.
(Ảnh minh họa)
Để doanh nghiệp không “ngại” lao động tự kỷ
Cần thừa nhận rằn, việc tuyển dụng người lao động nói chung và lao động là người tự kỷ nói riêng phải xuất phát từ lời ích của doanh nghiệp mà không phải là một chính sách từ thiện. Các doanh nghiệp cần kỹ năng của người tự kỷ và ngược lại người tự kỷ cần một công việc phù hợp. vì thế về bản chất, nó vẫn là quan hệ cung cầu lao động. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra những lĩnh vực kinh doanh cần kỹ năng của người tự kỷ và làm thế nào để thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh đó thì không ai có thể làm được điều này ngoài vai trò định hướng của Nhà nước.
Các quốc gia hiện nay đang thực hiện vai trò của mình bằng việc xây dựng các chương trình thử nghiệm như chương trình công ty công nghệ Hewleff-Packard của Úc hay chương trình College Internship Program (CIP) của Mỹ. Ở Mỹ, tháng tư hàng năm cũng là tháng mà nước Mỹ coi là tháng cộng đồng ý thức về người tự kỷ, là dịp mà các doanh nghiệp kinh doanh trong mọi lĩnh vực ghi nhận những tiềm năng của người tự kỷ có thể đóng góp cho doanh nghiệp của họ và cho cộng đồng, đồng thời tạo ra các liên kết về nhân lực, nguồn nhân lực để tạo ra ngày càng nhiều cơ hội việc làm cho người tự kỷ trưởng thành.
Việc làm cho người tự kỷ ở Việt Nam
Ở Việc Nam, Nhà nước đã ban hành chính sách và pháp luật về hỗ trợ kỹ năng nghề cho người khuyết tật, cụ thể như luật người khuyết tật năm 2010, nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số Luật của người khuyết tật. Theo đó, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho người khuyết tật được lựa chọn, tư vấn và học nghề, làm việc theo khả năng và sức khỏe của mình. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định tự kỷ là loại khuyết tật nào trong Luật Người khuyết tật là chưa rõ ràng.
Việt Nam cũng thiếu một chính sách toàn diện cho người tự kỷ khi cộng đồng cha mẹ có con tự kỷ đều không thể tiếp cận với bất kỳ một chương trình hỗ trợ can thiệp sớm nào cho trẻ tự kỷ cũng như các chương trình phát triển kỹ năng nghề cho người tự kỷ trưởng thành.
Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam (VSEN) đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm cho người tự kỷ trong một số lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, sản xuất chi tiết… Điều đặc biệt là các doanh nghiệp này không chỉ đón nhận lao động là người tự kỷ mà quan trọng là họ sẵn sàng đồng hành với tự kỷ để có thể phát hiện ra khả năng vượt trội của mình trong môi trường làm việc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xã hội cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại về vốn, thông tin, sự kết nối…, đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ, hợp tác từ phía các tổ chức, đơn vị nghiên cứu của Nhà nước trong việc thiết lập các chương trình thử nghiệm việc làm cho người lao động tự kỷ tại doanh nghiệp.
Trước thực tế là số lượng trẻ em tự kỷ và người tự kỷ trưởng thành ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, Nhà nước cần phải xây dựng nhiều chính sách thiết thực và toàn diện hơn nữa nhằm đảm bảo trẻ em tự kỷ nói chung và người tự kỷ trưởng thành nói riêng được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục đặc biệt, chăm sóc y tế sớm nhất có thể, tránh việc tạo ra gánh nặng cho gia đình, cộng đồng và xã hội trong tương lai.
Nguyễn Thu Dung