Để rộng đường dư luận, Báo Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam.
PV: Thưa ông, đang có nhiều thông tin gây tranh cãi về dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm. Cụ thể, ý kiến từ một số cơ quan chức năng của Thành phố Hội An cho rằng dự án được thực hiện khi chưa có đủ các giấy phép như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép xây dựng… Tỉnh có biết việc đó không? Quan điểm của tỉnh về vấn đề đó như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Năm 2003, được sự thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về quốc phòng; UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm năm 2004 và Giấy chứng nhận đầu tư mở rộng năm 2005. Sau đó năm 2006, dự án đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 3337/QĐ-UBND. UBND Tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2989/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm và Bản vẽ quy hoạch 1/1000 kèm theo.
BCH Quân sự tỉnh cũng đã có Công văn số 186/BCH ngày 28/6/2005 cho phép thi công tuyến đường quốc phòng từ Bãi Bìm đến Bãi Hương. Dự án cũng đã được Sở Xây dựng kiểm tra, cấp Giấy phép xây dựng số 177/GPXD-XD ngày 22/9/2005 về việc xây dựng Bến cập tàu du lịch Bãi Hương và Giấy phép xây dựng số 113/GPXD-XD về việc xây dựng các công trình dự án Four Seasons Resort – Cham island ngày 16/10/2007. Tới ngày 28/06/2005 Bộ Chỉ Huy Quân sự Tỉnh Quảng Nam có Công văn số 186/BCH về việc đồng ý cho Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Đầu tư Cù Lao Chàm thi công tuyến đường quốc phòng từ Bãi Bìm đến Bãi Hương và ngày 25/09/2007
Đơn vị đã triển khai bắt tay triển khai ngay thi công; đến năm 2009 thì bị bão tàn phá, gây thiệt hại nghiêm trọng. Từ đó đến năm 2016 thì thi công cầm chừng. Căn cứ các quy định thì dự án đã đầy đủ các hồ sơ pháp lý và đủ điều kiện để triển khai.
PV: Phía Thành phố Hội An cho rằng Công ty Cù Lao Chàm phải làm lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vì năm 2009 Cù Lao Chàm trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông cho biết theo các quy định hiện hành thì có phải đánh giá lại ĐTM hay không?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Ngày 20/11/2006, UBND Tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 3337/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thị xã Hội An; chủ đầu tư đã tiến hành thi công một số hạng mục công trình theo giấy phép được duyệt. Cù Lao Chàm được công nhận trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, trong quá trình lập hồ sơ đề nghị thì cũng đã đề cập đến dự án chủ đầu tư đã triển khai trước đó.
Căn cứ Điều 20 Luật 55/QH/2013 Luật Bảo vệ môi trường, Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau:
a) Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
b) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;
c) Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Đối với trường hợp này dự án đã thực hiện triển khai dự án trong 24 tháng kể từ thời điểm ĐTM được duyệt, hiện tại thi công theo quy hoạch và giấy phép được cấp, không thay đổi địa điểm, không tăng quy mô đầu tư; Chủ đầu tư cũng đã tuân thủ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Do vậy dự án không phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường; tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An, các ngành chức năng với Chủ đầu tư, Sở Tài nguyên môi trường cũng đã khẳng định điều đó.
PV: Được biết dự án ban đầu được cấp phép 259,2ha nhưng sau đó thu hẹp lại còn khoảng 25ha. Vậy đến thời điểm này đã thực hiện việc cắm mốc giới phần diện tích này hay chưa?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Sau thời gian thi công cầm chừng, đến năm 2016 chủ đầu tư báo cáo tỉnh đề nghị cho đẩy mạnh thi công để hoàn thành trong năm 2017 để phục vụ các sự kiện của tỉnh. UBND tỉnh đã xem xét và thống nhất tại Công văn số 5063/UBND-KTN ngày 14/10/2016. Theo đó tỉnh yêu cầu giảm diện tích và đã xác định các mốc tọa độ. Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường thì tới thời điểm này đã hoàn thành việc đo đạc về mốc giới của dự án.
PV: Việc điều chỉnh thu hẹp lại dự án như vậy có cần phải làm lại Giấy phép xây dựng hay không?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Công ty đã được Sở Xây dựng Quảng Nam cấp giấy phép số 177/GPXD-XD và 113/GPXD-XD cho các công trình thuộc dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, trong giấy phép ghi rõ “nếu trong 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng mà chưa có công trình nào thuộc dự án được khởi công thì phải xin gia hạn giấy phép”.
Thực tế, sau khi có Giấy phép xây dựng, nhà đầu tư đã thực hiện đúng yêu cầu. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh, thành phố Hội An, các ngành chức năng với Công ty để nghe báo cáo về dự án, căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực hiện dự án, Giám đốc Sở Xây dựng đã khẳng định các Giấy phép này vẫn còn hiệu lực thi hành.
PV: Đang có tranh cãi xung quanh con đường được công ty Cù Lao Chàm thi công. Một số ý kiến cho rằng con đường đó chưa được sự đồng ý của cơ quan quốc phòng. Tỉnh có biết điều đó không?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Đảo Cù Lao Chàm là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng; do đó khi thực hiện các dự án tại đây đều phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về quốc phòng. Cụ thể, để thống nhất cho phép thực hiện dự án này thì năm 2003 UBND tỉnh đã báo cáo và được Bộ Quốc phòng thống nhất thể hiện ở các văn bản:
- Ngày 08/10/2003 Bộ Quốc Phòng có văn bản số 4045/QP về việc Thống nhất địa điểm thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái biển tại đảo Cù Lao Chàm, thị xã Hội An, Quảng Nam.
- Ngày 28/06/2005 Bộ Chỉ Huy Quân sự Tỉnh Quảng Nam có Công văn số 186/BCH về việc Đồng ý cho Công ty CP TM DL ĐT Cù Lao Chàm thi công tuyến đường quốc phòng từ Bãi Bìm đến Bãi Hương.
- Công văn số 1301/BCH-TM ngày 13/5/2016 của Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh Quảng Nam về việc Thống nhất chủ trương cho phép xây dựng đường giao thông trên đảo Cù Lao Chàm.
Con đường này đã được đề cập trong quy hoạch tổng thể mặt bằng được duyệt tại Quyết định số 2989/QĐ-UBND ngày 25/9/2007. Mặt khác, theo quy định của Luật Xây dựng thì con đường này không qua đô thị, phù hợp với quy hoạch tổng thể được duyệt thì không phải xin cấp phép.
PV: Vấn đề phát triển ở Cù Lao Chàm đang là vấn đề nóng. Nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên hiện trạng. Quan điểm của tỉnh về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Quang: Đối với thành phố Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Hội An phải sớm rà soát, chọn tư vấn có uy tín, có năng lực điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu Cù Lao Chàm. Đây sẽ là cơ sở để chính quyền xem xét trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Chúng ta vẫn phải phát triển nhưng làm thế nào để hài hòa với bảo tồn.
PV: Xin cảm ơn ông!