Facebook tròn 20 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Một ngày sẽ không trọn vẹn nếu tôi không dành ít nhất 1 giờ với Facebook”. Đây là chia sẻ của Saloni Singhal, một thanh niên sống ở Ấn Độ và có nhiều người thân cũng như bạn bè sống ở nước ngoài.
Facebook tròn 20 tuổi

Với ứng dụng Facebook, Singhal có thể thường xuyên nhìn thấy, trò chuyện và cập nhật tình hình mới nhất với gia đình và họ hàng bất kể họ chuyển nhà từ Anh đến Nga, rồi sang Indonesia và Mỹ. Khi một người thân gặp khó khăn, Saloni Singhal đã gửi những lời động viên trong phần bình luận các bài đăng trạng thái buồn bã và thất vọng của bạn mình. Những năm qua, Facebook đã giúp Singhal kết nối cũng như xóa nhòa khoảng cách với gia đình và bạn bè ở trong và ngoài Ấn Độ.

Ra đời ngày 4/2/2004, Facebook hiện vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Thống kê cho thấy tính đến hết năm 2023, hằng tháng có hơn 3 tỷ người dùng, tăng 3% so với năm trước. Theo công ty phân tích trực tuyến DataReportal, bất chấp sự cạnh tranh mạnh từ các đối thủ Snapchat và TikTok, vốn là những ứng dụng rất phổ biến với thế hệ tuổi teen, hiện hơn 50% số người dùng Facebook trong độ tuổi từ 18 - 34 tuổi.

Với các tính năng tiện ích, Facebook giúp mọi người giao lưu, kết nối với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí cả những người xa lạ dù ở bất cứ nơi nào. Facebook còn giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt thông tin và xu hướng xã hội nhờ khả năng cập nhật thông tin nhanh chóng và kịp thời. Trên Facebook xuất hiện hàng trăm nghìn video, bức ảnh hài hước, sáng tạo, những đoạn phim được cắt ra từ các tác phẩm điện ảnh kinh điển, cùng với kho trò chơi hấp dẫn, đem đến cho người dùng một kênh giải trí hữu ích sau những giờ làm việc hay học tập căng thẳng. Facebook cũng là nơi bồi dưỡng tâm hồn, vun đắp đời sống tình cảm của con người khi lan tỏa những đoạn phim, câu chuyện xúc động, mang giá trị nhân văn hay những hình ảnh gợi lên cảm xúc tốt đẹp nhất về tình yêu thương, sự căm ghét cái xấu.

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Facebook còn là công cụ quảng cáo, tiếp thị mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Với mạng lưới người dùng phát triển không ngừng, Facebook hiện là “mảnh đất màu mỡ” cho hơn 90 triệu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Đối với Facebook, các tài khoản quảng cáo đóng góp phần lớn doanh thu của công ty. Năm 2022, Facebook thu về gần 114 tỷ USD nhờ doanh thu quảng cáo và con số này được dự báo vượt mức 127 tỷ USD vào năm 2027.

Chuyên gia phân tích Jasmine Enberg của hãng Insider Intelligence nhận định Facebook ra đời đã tạo nên một cuộc cách mạng. Bà đánh giá: “Không ngoa khi nói rằng Facebook định hình nên mọi thứ, từ văn hóa đại chúng, chính trị cho đến cách chúng ta hành xử trực tuyến.”

Tuy nhiên, mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng tồn tại những mảng tối, nói cách khác, Facebook nói riêng hay các mạng xã hội nói chung đều mang tính hai mặt, có lợi ích lẫn tác hại. Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa sức khỏe tâm thần và việc sử dụng mạng xã hội. Theo kết quả một nghiên cứu, thời gian một người sử dụng Facebook càng nhiều, sự tự tin của người đó càng thấp và cảm giác cô đơn càng lớn. Xu hướng ganh tị, so sánh giữa con người và bắt nạt trực tuyến do mạng xã hội cũng nổi lên. Việc sử dụng mạng xã hội vào ban đêm còn gây giảm chất lượng giấc ngủ đêm và mệt mỏi vào ban ngày, gia tăng nguy cơ gặp chứng lo âu và trầm cảm.

Thống kê năm 2021 cho thấy người dùng dành trung bình 19,5 giờ/tháng để lướt Facebook. Do đó, việc dành quá nhiều thời gian kết nối và giải trí trên Facebook dễ gây sao nhãng công việc và học tập.

Trong những năm qua, Facebook cũng liên tục hứng chịu chỉ trích liên quan tới phát tán tin giả, xấu độc những phát ngôn gây thù hận, chia rẽ, nội dung khiêu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, khủng bố hay các vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Nhiều đối tượng xấu đã khai thác những kẽ hở của Facebook để lôi kéo, kích động, thực hiện hành vi tội ác, thậm chí có lúc những nội dung đăng tải trên Facebook được ví như "vũ khí thời hiện đại".

Mô hình kinh doanh sử dụng dữ liệu cá nhân để cung cấp nội dung hấp dẫn và các quảng cáo nhắm vào khách hàng khiến công ty có trụ sở ở Thung lũng Silicon không ít lần dính vào các vụ kiện tụng. Sau những lùm xùm cho rằng nền tảng này được dùng để can thiệp kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Facebook lại dính líu tới vụ bê bối thu thập dữ liệu của công ty Cambridge Analytica năm 2018. Tháng 10/2023, hơn 40 bang của Mỹ kiện Meta (tên mới của công ty Facebook từ năm 2021) gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Cũng trong năm 2023, “người anh cả của làng mạng xã hội” chịu án phạt tiền cao kỷ lục 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) tại Ireland do chuyển dữ liệu cá nhân trái phép giữa châu Âu và Mỹ, vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU). Ngày 31/1 vừa qua, “ông chủ” Facebook Mark Zuckerberg cùng giám đốc điều hành các công ty X, Snap, Discord và TikTok phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Meta cho biết có khoảng 40.000 nhân viên đang làm việc để đảm bảo an ninh và an toàn cho người dùng và chi hơn 20 tỷ USD vào những nỗ lực này kể từ năm 2016. Để ngăn chặn những rủi ro trên mạng xã hội, công ty tích cực triển khai các tính năng cấp thêm quyền kiểm soát nội dung cho người dùng, mạnh tay xóa các bài đăng không phù hợp, yêu cầu các đơn vị quảng cáo minh bạch thông tin về quảng cáo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hạn chế người dùng là thanh thiếu niên xem một số nội dung nhất định…

Chính phủ các nước đã thông qua nhiều quy định, như Luật An toàn trực tuyến của Anh, Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo hoạt động trực tuyến an toàn cho người dùng. Các công ty công nghệ gần đây cũng có một số điều chỉnh để bảo vệ người dùng, nhất là trẻ em, trên không gian mạng, song giới lập pháp cho rằng những hành động đó chưa đủ mạnh để ngăn chặn các mối đe dọa. Các nhà lập pháp Mỹ đang đề xuất nhiều dự luật, quy định tương tự để đem lại trải nghiệm an toàn cho người dùng.

Để duy trì kết nối và tận dụng những lợi ích của mạng xã hội, bản thân người dùng cũng cần “tỉnh táo” khi tham gia sân chơi lớn này. Các biện pháp được khuyến nghị bao gồm điều chỉnh cài đặt riêng tư cho tài khoản, giảm thời gian truy cập mạng xã hội, tăng cường hoạt động thể chất, tương tác trực tiếp với xã hội, hạn chế sử dụng vào ban đêm, đặt ra các nguyên tắc cụ thể cho trẻ em… Quan trọng nhất là cố gắng trở thành một người sử dụng Facebook thông thái.

Kỷ niệm 20 năm Facebook ra đời là thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử truyền thông xã hội, phản ánh quá trình phát triển từ một dự án sinh viên thành một công ty đa quốc gia thu lợi nhuận lớn, xây dựng cộng đồng người dùng vượt mốc 3 tỷ người. Ban đầu, những người sáng tạo Facebook đề ra sứ mệnh "Mang cả thế giới lại gần nhau hơn", nhưng những nguy cơ và hậu quả do Facebook gây ra cho thấy mục tiêu này chưa đạt được. Facebook có ích hay có hại, câu hỏi này chủ yếu do người dùng quyết định, song, chính Facebook cũng cần tự điều chỉnh, tăng cường các biện pháp bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Đó chính là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đạo đức của một ứng dụng mạng xã hội phổ biến hàng đầu thế giới như Facebook, bởi suy cho cùng, tương lai của Facebook sẽ phụ thuộc vào việc nền tảng này sẽ thay đổi như thế nào để bảo đảm rằng an toàn, an ninh của cộng đồng sử dụng được đặt lên hàng đầu.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.