Rất nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc lá nhập ngoại đã được “phanh phui”. Cụ thể:
Về an toàn thực phẩm: lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 14.000 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng. Hàng vi phạm chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, sữa, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột…
Về mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Đã kiểm tra 4.891 vụ về phân bón, xử phạt vi phạm hành chính hơn 61 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng,… Các đối tượng còn làm phân bón NPK với bao bì giả mạo nhãn hiệu, phân bón kém chất lượng. Lực lượng chức năng đã chuyển cơ quan điều tra 1 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài.
Riêng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm, thu giữ hơn 14.000 lít, chai và hơn 830kg thuốc bảo vệ thực vật… Các hành vi vi phạm hủ yếu là kinh doanh thuốc BVTV trên nhãn có thông tin không đúng sự thật; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc có tên trong danh mục bị cấm sử dụng; kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu càng về Tết càng có dấu hiệu tăng. Lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.859 vụ, trong đó: vi phạm về vận chuyển 1.143 vụ; vi phạm về kinh doanh 3.718 vụ. Tịch thu gần 1.000 bao thuốc lá các loại; thu giữ 32 xe ô tô, 695 xe máy, 32 phương tiện khác; chuyển cho cơ quan điều tra 103 vụ.
Dù luôn nỗ lực kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng là do điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp. Chưa kể lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, phải quản lý trên địa bàn rất rộng. Người dân khu vực biên giới không có công ăn việc làm, lấy việc cho thuê nhà làm kho chứa hàng lậu, vận chuyển thuê hàng lậu qua biên giới làm nghề kiếm sống; cá biệt còn có cán bộ, công chức không tích cực phối hợp đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng…
Một nguyên nhân nữa được nhiều đội quản lý thị trường nêu ra là các chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhiều vụ bị truy tố hình sự nhưng vì lợi nhuận quá “khủng”, nhiều đối tượng bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về cơ chế chính sách cũng là một khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ví dụ: chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp rất khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và các thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ...
Trong 2 tháng cuối năm, đại diện quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, hoàn thiện, trình ban hành đúng thời hạn Đề án chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm (Đề án 8) theo phân công của Chính phủ...