Trong 5 thành viên Thường trực VFF, cho tới lúc này đã có thể chắc chắn ít nhất 2 người sẽ rút lui, gồm Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức. Rất trùng hợp khi đây cũng là 2 gương mặt doanh nhân nổi bật nhất ở nhiệm kỳ VII, từng được chờ đợi sẽ thổi luồng gió mới vào đời sống bóng đá Việt Nam. Rốt cuộc, cả hai đều không được như trông đợi, nếu không muốn nói phần nào đó gây thất vọng.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng do sức khoẻ bất thường, độ hơn 2 năm trở lại đây đã không còn xốc vác được công việc. Trách nhiệm gánh vác VFF và các hoạt động của bóng đá Việt Nam, vì vậy đổ lên cả Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn. Vì chuyện này, ông Tuấn bị những người không ưu chỉ trích là lạm quyền, thao túng VFF.
Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức trong khi đó, do tình hình kinh doanh của HAGL bỗng nhiên bất thuận, cũng không dành được nhiều thời gian cho bóng đá. Ông Đức trước thềm SEA Games 29 đã đề đạt nguyện vọng xin rút lui, nhưng được Thường trực VFF giữ lại. Gần nhất ở đại hội thường niên, BCH VFF cũng bỏ phiếu bác đơn từ chức của bầu Đức. Lý do chủ yếu bởi đại hội nhiệm kỳ VIII chỉ còn 3 tháng sẽ diễn ra. VFF không muốn tình hình nội bộ xáo trộn, có thể khiến đời sống bóng đá thêm ba động. Bầu Đức dù ít tham gia công việc ở VFF nhưng lại được lòng công chúng nhờ những đóng góp trên cương vị Chủ tịch HAGL.
Ông Đức và ông Dũng chắc chắn đều sẽ nghỉ sau 3 tháng nữa, và cả hai vị trí này, VFF đều đau đầu chưa biết chọn ai thay thế. Đặc biệt vị trí Chủ tịch, ứng viên được nêu ra hàng loạt, nhưng thảy đều bị đánh giá là phương án chưa vẹn toàn. Một số nhân vật được nhắc tới trong làng thể thao vừa qua có thể kể đến như Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái hay Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và cả Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn.
Ông Lê Khánh Hải từng là ứng viên nặng ký ở nhiệm kỳ VII, cho tới khi rút lui không ra tranh cử, tạo điều kiện cho đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng giành chiến thắng. Trong suốt giai đoạn từ đó tới nay, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng không thể hiện sự mặn mà đối với chiếc ghế Chủ tịch VFF. Người trong giới nói ông Hải có điểm tựa truyền thống gia đình, nên vị trí Chủ tịch VFF chẳng mấy thiết tha.
Trong khi đó, ông Huỳnh Vĩnh Ái vừa nhận quyết định nghỉ hưu, còn Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa cũng xe hoàn viên trong năm tới. Rút kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, rất nhiều ý kiến trong giới bóng đá đều cho rằng, ngành thể thao không nên tiếp tục biến VFF trở thành “tổ hưu”, với những người đã không còn nhiều động lực phấn đấu. Ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, nguyên Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ từng nhiều lần đưa…FIFA ra để nhắc nhở ngành thể thao, mỗi khi bị cấp trên xét hỏi. Ông Hỷ khi đó có thế của người đã không còn ràng buộc về vị trí trong ngành, lại cũng đủ đầy mọi nhẽ.
Do việc chưa xác định được ứng viên, dù đã chốt lịch tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII, VFF hiện vẫn chưa có công văn xin phép Bộ Nội vụ theo quy định. Một lãnh đạo cấp cao Tổng cục TDTT chia sẻ, việc lựa chọn ứng viên Chủ tịch VFF hiện có nhiều khó khăn. “Bóng đá Việt Nam đang giai đoạn phát triển mạnh về đào tạo trẻ. Để duy trì định hướng này cũng như đẩy mạnh phát triển, lãnh đạo mới của VFF buộc phải là người có tâm huyết, làm tốt vai trò lãnh đạo để quy tụ những người làm chuyên môn cùng hợp lực vì cái chung. Dù thời gian gấp gáp thật nhưng vì vậy chúng ta cũng không thể vội vàng”-lãnh đạo Tổng cục TDTT nói trên cho hay.
Theo tìm hiểu, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn cũng được xem là một phương án khả dĩ có thể được cân nhắc. Ông Tuấn được nhiều CLB ủng hộ do thạo việc, có kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm. Tuy nhiên, điểm bất lợi của ông Trần Quốc Tuấn là hình ảnh trong mắt công chúng chưa được “đẹp”. Điều này khiến cho lãnh đạo ngành thể thao phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần nhưng không đưa ra được quyết định cuối.
Trong lúc lãnh đạo ngành thể thao còn , thì nội bộ VFF đã “nóng” suốt giai đoạn vừa qua. Đây là lý do cứ lâu lâu, báo chí lại được dịp ồn ào vì những tin tức nội bộ VFF, bị tuồn ra ngoài mà mục đích như người trong cuộc đều rõ, để “đánh” nhau. Đến độ một dạo, lãnh đạo VFF phải lên tiếng phân trần về việc nội bộ không mất đoàn kết mà chỉ “chưa đoàn kết cao”.
Tin từ Tổng cục TDTT cho biết, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng ở đại hội nhiệm kỳ VIII sắp tới, ứng viên Chủ tịch VFF cũng sẽ lại chỉ có 1 người. Trước mắt ngành thể thao có thể sẽ lấy ý kiến tín nhiệm từ các CLB, trước khi đưa ra quyết định.