Theo đó, trong giai đoạn 2016-2018, nguồn cung chung cư trên cả nước có thể sẽ tăng lên 74%. Giá bán căn hộ cũng được kỳ vọng tăng trung bình 5-7%/năm, chung cư giá rẻ có thể tăng thêm 10%/năm, tương đương mức tăng 30% trong 3 năm. Riêng phân khúc cao cấp và hạng sang được dự báo sẽ có giá bán trên 2.000USD/m2, tăng gấp đôi so với hiện nay.
Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam trong ngắn hạn đang phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn do nguồn cung tăng nhanh, có xu hướng thừa cung so với cầu, giá thuê giảm. Theo thống kế, từ 2012 đến nay giá thuê mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM giảm trung bình 2%/năm còn ở Hà Nội giảm 6,8%/năm, trong đó phân khúc cao cấp giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, ở một số địa điểm có tiềm năng phát triển, giá thuê vẫn có mức tăng đáng kể như khu vực ngoài trung tâm TP.HCM với 2,62%.
Tại Hà Nội, nhà mặt phố hiện là một trong những phân khúc BĐS bền vững và có giá trị nhất. Khảo sát của PV Reatimes cho thấy, giá đất tại khu vực quận Hoàn Kiếm luôn dao động trong khoảng 500 triệu/m2. Tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy thì mức giá trong khoảng từ 200 - 400 triệu/m2. Các quận Nam Từ Liêm hay Hai Bà Trưng có mức giá mềm hơn, nhưng cũng từ khoảng 100 triệu/m2…
Nghiên cứu thị trường BĐS TP.HCM mới nhất cho thấy, nhiều nhà liền thổ xây sẵn có giá từ 1 - 5 tỷ đồng tại các quận ngoại thành, đặc biệt tại quận 9, quận 12, Nhà Bè, Bình Chánh... có giao dịch khá sôi động. Giá bán vừa túi tiền, cùng với tâm lý muốn sở hữu đất riêng của khách hàng đã đưa phân khúc trở thành một trong những phân khúc hút khách hiện nay. Dự báo, trong những tháng cuối năm 2016, nhà liền thổ xây sẵn vẫn tiếp tục tăng nhiệt vì hiện nay nguồn cung chưa đáp ứng hết nhu cầu khách hàng.
Tại thị trường TP.HCM, giá tăng đều ở các phân khúc trung cấp và cao cấp. Tuy nhiên, so sánh về lượng căn hộ chào bán ra và sức tiêu thụ thì phân khúc BĐS tầm trung đang chiếm ưu thế hơn so với phân khúc cao cấp và hạng sang.
Trong báo cáo thị trường của Cục quản lý nhà và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch thành công của Hà Nội năm 2015 đạt khoảng 20.000 giao dịch, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ thời điểm 2014. Tại TP.HCM, lượng giai dịch đạt khoảng 26.000 giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2014.
Giá BĐS tăng từ 5-6% so với 2014, cá biệt có dự án tăng 10-15%, trong đó căn hộ bình dân có mức tăng thấp nhất, căn hộ cao cấp tăng từ 5-15%.
Tại hội thảo Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường BĐS 2016 diễn ra cách đây không lâu, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tính cả tác động của TPP, năm 2018, thị trường BĐS sẽ cân bằng cung cầu. Nhưng từ năm 2019 trở đi, cầu BĐS sẽ nhiều hơn cung. Dự báo tới năm 2023, thị trường sẽ tăng nóng, nhiều khả năng sẽ có thể sớm hơn, bắt đầu từ 2021.
Lý giải về việc BĐS được dự báo sẽ “sốt giá” trong những năm tới, JLL nhận định, chính niềm tin nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đã giúp khôi phục sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực BĐS của người dân từ năm 2013. Mặt khác, chính sách cho người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam trở nên thông thoáng hơn, được coi là động thái tích cực của Nhà nước đã thúc đẩy lượng giao dịch nhà ở gia tăng đáng kể.
Theo dự đoán của đại diện JLL, trong 3 năm tới, giá căn hộ trung cấp và căn hộ giá cả phải chăng có khả năng tăng lên 10% mỗi năm. Tốc độ tăng giá trên được JLL đánh giá là khá hợp lý và chấp nhận được tại thị trường Việt Nam. Ngay cả khi giá chung cư tăng 30% trong vòng 3 năm tới, tỷ lệ giá nhà so với thu nhập vẫn sẽ ổn định do mức thu nhập đã tăng 10%/năm trong vài năm gần đây. Vì thế, theo JLL, giá bán căn hộ tại TP. HCM vẫn phù hợp so với mức thu nhập.
Theo Reatimes.vn
*Tiêu đề do Ngày Nay đặt lại