Sáng 7/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, các đại biểu đã thông qua nhiều tờ trình của UBND TP về tăng mức thu phí và lệ phí, báo Pháp luật TP HCM đưa tin.
Theo đó, về mức thu lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn (cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) là 15.000 đồng ở các quận; 8.000 đồng ở huyện. So với mức cũ là 15.000 đồng ở quận và 7.500 đồng ở huyện.
Mức thu đăng ký thường trú, tạm trú cả hộ hoặc một người là 10.000 đồng ở quận, 5.000 đồng ở huyện.
Mức thu điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 5.000 đồng ở quận, 3.000 đồng ở huyện. Mức cũ là 5.000 đồng ở quận và 2.500 đồng ở huyện.
Mức thu gia hạn tạm trú là 10.000 đồng ở quận, 5.000 đồng ở huyện. Đây là danh mục thu phí hoàn toàn mới được HĐND TP thông qua.
Ngoài ra, đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, hộ nghèo; cha, mẹ, vợ (chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh được miễn lệ phí đăng ký cư trú.
Đối với lệ phí cấp cấp giấy phép xây dựng mới tăng 1,5 lần so với trước và tương đương với Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên, Bến Tre, Hưng Yên, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi.
Cụ thể, cấp phép nhà ở riêng lẻ của nhân dân là 75.000 đồng/giấy phép (mức cũ là 50.000 đồng); công trình khác là 150.000 đồng/giấy phép (mức cũ là 100.000 đồng); gia hạn là 15.000 đồng/giấy phép (mức cũ là 10.000 đồng).
Các đại biểu nhất trí thông qua việc tăng giá các loại phí. Ảnh: PLO |
Theo UBND TP, sở dĩ tăng như thế bởi với mức thu hiện nay không thể bù đắp chi phí phục vụ công việc thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
TP.HCM cũng tăng giá vào cửa một số bảo tàng: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là 40.000 đồng/lượt người. Bảo tàng TP, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử là 30.000 đồng. Toàn bộ tiền phí thu được để lại cho các bảo tàng phục vụ tái đầu tư, phát triển.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, bạo hành trẻ em trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, có mặt còn trầm trọng hơn. Sự phối hợp trong thực thi công vụ chưa đồng bộ. Trách nhiệm người đứng đầu chưa xử lý nghiêm minh khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Lợi thế cạnh tranh của TPHCM nhiều mặt đang có xu hướng giảm.
Bà Tâm cho biết việc triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ năm nay phải rất khẩn trương, chặt chẽ, quyết tâm chính trị lớn, đồng tâm xã hội cao. Đây không chỉ là thời cơ phải nắm bắt mà còn là trách nhiệm rất nặng nề.
TPHCM thí điểm thành công không chỉ tạo động lực để phát triển cho thành phố mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước cả về nguồn lực, kinh nghiệm thực tiễn, cơ chế và chính sách.
Nghị quyết 54 là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh hơn, nhiều hơn; có cơ chế chính sách thông thoáng hơn, đáp ứng sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới; quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức viên chức có năng suất lao động cao, đóng góp chung cho sự nghiệp phát triển của thành phố, theo Tiền Phong.
Tổng hợp