Trong “Tư trị thông giám” còn kể rõ câu chuyện chứng minh “trí tuệ” của Tư Mã Trung tức Tấn Huệ Đế, vua nhà Tây Tấn. Một hôm, khi đang dạo chơi trong Hoa Lâm viên của hoàng cung, vua bỗng nghe thấy tiếng kêu của ếch trong đầm bèn hỏi thị thần: “Ếch nó kêu cho quan hay cho dân nghe thế?”. Đám thị thần há hốc miệng, không biết trả lời thế nào.
Lại có lần, đất nước khổ sở vì lâm vào nạn đói, dân tình chết như rạ, gạo không có nửa hạt để ăn. Hay tin, Huệ đế buột miệng hỏi: “Dân chúng không có cơm ăn, sao không ăn cháo thịt?”. Cháo thịt với nguyên liệu gạo tinh và thịt nạc vốn là món khoái khẩu của ông vua này.
Hôm qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã có kiến giải về việc giảm giá thịt lợn là "người dân chuyển sang ăn thịt gà". Cụ thể, để giảm giá thịt lợn, Bộ trưởng Cường nhắc tới ba giải pháp: Đẩy nhanh tái đàn, đa dạng rổ thực phẩm ngoài thịt heo và rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối. "Chúng ta không nên chỉ tập trung ăn thịt heo, mà cần đa dạng hoá các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng... Ăn những loại này cũng đều rất tốt. Cần san sẻ rổ thực phẩm vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể", ông nói. Nghe qua, những ý kiến của Bộ trưởng Cường không sai nhưng liệu việc đa dạng hóa thực phẩm có phải là giải pháp để giảm giá thịt lợn?
Ngay tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng thể hiện sự không đồng tình với giải pháp giảm giá thịt lợn mà Bộ trưởng Cường nêu. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn "xem lại để có giải pháp căn cơ hơn". Trên thực tế, người dân cũng không lạ gì với giải pháp của Bộ trưởng: Không ai ăn 3 bữa thịt lợn, 7 ngày/tuần thịt lợn, 30 ngày/tháng thịt lợn. Họ cũng đổi bữa, lúc thì rau muống, khi thì tôm cá, thịt bò... Nhưng thịt lợn, không thể chối cãi, là thực phẩm chính của người Việt.
Tính chung tại các nước đang phát triển, theo PGS Cullen S. Hendrix và GS Stephan M. Haggard, thực phẩm chiếm đến 50% chi tiêu của hộ gia đình. Khác với năng lượng và đồ điện tử, nhu cầu về thực phẩm không phụ thuộc vào thu nhập: Thu nhập cao hay thấp thì vẫn cần lượng thực phẩm nào đó để duy trì sự sống. Bài báo của hai ông trên Washingtonpl Post cũng cho biết, giá lương thực thực phẩm cao còn có thể dẫn tới những bất ổn chính trị.
Và dù có giải thích như thế nào thì người dân cũng không thể “tiêu hóa” nổi giải pháp giảm giá thịt lợn: Đắt thì đừng ăn nữa, ăn món khác.
Hãy áp lý luận này vào ngành điện. Dù các lãnh đạo giải thích như nào cũng không thể xóa đi sự thật là hóa đơn tiền điện đang tăng một cách thần tốc. Nhưng nếu tiền điện tăng cao thì dân có thể thắp nến, mua quạt nan thậm chí quay tay để ra điện…
Những sự so sánh này cũng như những phát ngôn trên các diễn đàn chính thức đều dẫn đến những phản ứng mà người nói chưa chắc lường trước được.
Năm 2017, cũng trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng phát biểu: Riêng tôm, thế giới có 7 tỷ người, mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn. Như vậy là còn hơn 2 triệu tấn tôm, dư địa cho ngành thủy sản Việt Nam.
Một tính toán mang nhiều sự mơ mộng đậm chất thơ. Ba năm sau, vẫn Bộ trưởng Nông nghiệp nói trong một hội nghị phát triển ngành tôm nước lợ rằng, ngành tôm cũng có niềm tin sẽ phấn đấu xuất khẩu đạt trên 3,5 tỷ USD (tức là tương đương với việc xuất được 830 nghìn tấn tôm, chưa nổi 1 triệu tấn).
Khác với người thường, mỗi phát ngôn của chính khách có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn với xã hội. Các chính khách thường là những nhà hùng biện với sự hiểu biết chuyên sâu về ngành, lĩnh vực họ quản lý cũng như về tình hình kinh tế-xã hội nói chung.
“Tôi với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được, không đáp ứng nhu cầu thì tôi xin chịu trách nhiệm và trách nhiệm chúng tôi là truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa từng nói thế trước diễn đàn Quốc hội vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ diễn ra cuối năm 2015. Báo chí thời đó mô tả: Nghị trường lại vang tiếng cười sau khi kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch.
Kỳ họp này cũng là kỳ họp áp chót của Quốc hội khóa XIV. Có thể trách nhiệm về việc giảm giá thịt lợn lại được “bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ sau” như cách diễn đạt của cựu đồng liêu - Bộ trưởng Văn hóa. Trong khi đó, trên thực tế, giá thịt lợn, vẫn chỉ “giảm trên tivi” dù chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.