Ngày 17/1, tại hội thảo khai mạc dự án Happy Việt Nam tổ chức ở TPHCM, BS Trần Hữu Dàng cho biết, thống kê của Cục sức khỏe dân số thế giới cho thấy, Việt Nam thuộc top những quốc gia có chiều cao thấp nhất thế giới. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam giới là 164,4 cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn WHO; nữ giới là 153,4 cm, thấp hơn 10 cm so với chuẩn.
Còn theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, tỉ lệ trẻ thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Trong đó, miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4%. Đây là những con số đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. (Ảnh: Tiền Phong) |
“Nguyên nhân của suy dinh dưỡng thấp còi đa phần do dinh dưỡng. Nhưng không phải gia đình khó khăn, thiếu ăn thì con mới suy dinh dưỡng thấp còi, mà cả gia đình có điều kiện, con cũng thấp còi. Trong đó, tại nhiều gia đình, phụ huynh còn thiếu kiến thức, thực hành dinh dưỡng; cho con ăn nhiều đồ ăn nhưng ăn không đúng cũng dẫn đến thấp còi. Hiện có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, thừa muối, thừa bia rượu…” – BS Dàng chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Dù nhanh hay chậm thì giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng. Tuy nhiên thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của trẻ tăng chậm hơn 4-6cm/năm hoặc chiều cao của trẻ luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi, nên cho trẻ thăm khám để tìm nguyên nhân.
Dự án Happy Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tốt, nhận biết sớm và điều trị đúng cách khi trẻ có các biểu hiện của tình trạng thấp còi. Dự án triển khai trong 2 năm, từ tháng 7/2020 ở 7 tỉnh thành gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Hà Nội và TPHCM.