Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, năm 2017 có khoảng 425 triệu người bị đái tháo đường trên thế giới ở độ tuổi từ 20 -79, dự kiến đến năm 2045, có khoảng 630 triệu người bị đái tháo đường.
Đáng báo động, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ ở TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng dần trong những năm qua, từ 2,1% (năm 1997) lên 4% (năm 2008) và khoảng 20% (năm 2017). Trong khi đó, tỉ lệ này ở Hà Nội là 5,7% vào năm 2004.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Người mẹ có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ tiền sản giật- sản giật và nguy cơ bị đái tháo đường thực sự trong tương lai… Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở thai nhi có mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ trước đó mà không kiểm soát tốt.
Vì vậy, theo các bác sĩ, thai phụ cần căn cứ vào một số dấu hiệu điển hình của tiểu đường thai kỳ để có thể thăm khám, can thiệp kịp thời. Một số biểu hiện của bệnh như: Luôn khát nước đến khô họng, dù thường xuyên uống nước nhưng thai phụ vẫn cảm thấy khát nước; buồn tiểu liên tục ngay cả khi không uống nhiều nước; mệt mỏi đến kiệt sức, cơn mệt mỏi xảy ra dồn dập. Nếu chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi và không có dấu hiệu bị ốm nhưng vẫn mệt, thở dốc sau mỗi bữa ăn… Khi có một trong các biểu hiện trên, thai phụ cần thông báo cho bác sỹ trong mỗi lần đi khám để được làm các xét nghiệm cần thiết, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tránh được những biến chứng đáng tiếc.