Phát biểu đầu phiên làm việc, ông Lê Hồng Sơn cho biết rất đau lòng vì có những chuyện bạo hành xảy ra ở cấp mầm non: "Có những người không có đạo đức nghề nghiệp, trở thành những con sâu làm rầu nồi canh, gây hoang mang, làm mờ đi hình ảnh các thầy cô giáo; nhất là làm cho những em bé vô tội chịu những điều không đáng có".
Ông Sơn cho biết: "Khó khăn về tài chính, nhân lực đều có thể khắc phục nhưng bản thân con người phải đảm bảo về mặt đạo đức để không thể xảy ra những điều đáng tiếc như vậy". Sở Giáo dục TP HCM luôn mong muốn được đón nhận những câu hỏi chất vấn của đại biểu để hoàn thiện, phục vụ tốt nhất cho các em.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nói rằng, vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh không phải xảy ra lần đầu, trước đó có nhiều vụ đã bị khởi tố. "Trách nhiệm của Sở trong các vụ này thế nào? Việc giám sát các cơ sở mầm non có chặt chẽ chưa hay chỉ là hình thức?" - bà Trâm chất vấn. Bà chất vấn thêm: "Không ít nơi, giáo viên mầm non chỉ cần học vài tháng là có chứng chỉ đứng lớp, không được trang bị về phẩm chất nghề nghiệp, kiểm soát cảm xúc. Trong khi nuôi dạy trẻ là một ngành đặc thù, ngoài chuyên môn giáo viên cần có lòng yêu trẻ?".
Dại biểu Nguyễn Mạnh Trí cũng đặt câu hỏi về giải pháp gốc rễ, triệt để của Sở Giáo dục để không xảy ra bạo hành trẻ mầm non: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để xảy ra rồi mới xử lý vì vấn đề giáo dưỡng những năm tháng đầu đời rất quan trọng cho các cháu". Ông cũng đề nghị Sở cho biết, trong tổng số trẻ em của thành phố có bao nhiêu được chăm sóc ở trường công lập, bao nhiêu ở các cơ sở tư thục? Nếu ở tư thục lớn, nên chăng đẩy mạnh đào tạo ở khu vực này?
Ông Lê Hồng Sơn trả lời: Quy định phân cấp quản lý cấp phép trường mầm non là thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện, phường xã quản lý trực tiếp nhóm lớp mầm non. Sở phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, uốn nắn các nhóm lớp mầm non tư thục. Sau kiểm tra cũng có văn bản gửi chủ tịch UBND quận huyện. Hiện, thành phố có 1.845 nhóm lớp tư thục, 8-10 trẻ mỗi nhóm, do phường xã trực tiếp quản lý. "Bạo hành thường xảy ra ở số này" - ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có 544 hộ giữ trẻ gia đình, giữ dưới 7 trẻ có đăng ký và nhiều hộ giữ trẻ khác không đăng ký. Sở cùng UBND quận huyện vẫn phối hợp thường xuyên trong việc quản lý những cơ sở mầm non tư thục. Những trường hợp mất đạo đức, nhân tính đã bị xử lý, tù giam… Đồng thời, Sở phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tập huấn, nhất là cho những hộ giữ trẻ gia đình, biết kiến thức cơ bản nhất, bồi dưỡng nghiệp vụ, cũng như yêu cầu họ "cam kết không bạo hành trẻ" với địa phương và phụ huynh.
"Sở đã làm nhiều cách để họ thấu hiểu, song vẫn có những trường hợp cá biệt xảy ra do nhân tính, đạo đức của giáo viên" - Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM 'trần tình".
Tổng hợp