Trải qua bốn lần cải cách, nền giáo dục Việt Nam vẫn chưa thể minh định được triết lý giáo dục, dù khái niệm này đã nhiều lần được Quốc hội, Chính phủ và các chuyên gia đưa ra bàn luận. Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, người từng nhiều năm du học tại Nhật Bản và hiện là tác giả, dịch giả của hơn 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử và văn hóa.
--------------
PV: Là một người nghiên cứu về lịch sử giáo dục và từng xuất bản cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”, theo ông triết lý giáo dục là gì và tầm quan trọng của khái niệm này tới sự phát triển của một quốc gia?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Hiểu theo cách đơn giản nhất, triết lý giáo dục bao gồm hai thành tố chủ yếu. Thứ nhất đó là hình ảnh xã hội tương lai mà nền giáo dục ấy muốn hướng tới. Triết lý giáo dục phải gọi tên được xã hội ấy ra và chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của nó.
Thứ hai là hình ảnh con người mơ ước mà nền giáo dục đó muốn tạo ra. Đây sẽ là những con người cải tạo xã hội hiện thời để tạo ra xã hội mới với những đặc trưng được phác thảo ở trên và đồng thời sẽ phải là những người bảo vệ xã hội ấy.
Triết lý giáo dục sẽ chi phối toàn bộ nền giáo dục và có quan hệ mật thiết với hiến pháp và các bộ luật giáo dục. Muốn tìm hiểu về triết lý giáo dục của bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần truy tìm hình ảnh “xã hội tương lai” và hình ảnh “con người mơ ước” trong hiến pháp và các bộ luật giáo dục.
Tại Nhật Bản, triết lý giáo dục được minh định trong Luật Giáo dục cơ bản, triết lý đó được áp dụng thống nhất cho toàn bộ nền giáo dục quốc gia. Tất cả các hoạt động giáo dục hợp pháp của các tổ chức, nhà trường đều phải tuân thủ triết lý tổng quát đó, rồi các nhà trường sẽ tự xây dựng triết lý cụ thể của mình.
PV: Trước đó đã có nhiều nhà nghiên cứu cũng xuất bản và tổ chức các buổi thảo luận về chủ đề triết lý giáo dục. Điều gì đã thôi thúc ông tự đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Tôi cảm thấy chưa thuyết phục với các cách giải thích của một số tác giả và chính những người làm trong ngành giáo dục về khái niệm đó. Tại Việt Nam, câu chuyện về triết lý giáo dục mới chỉ được bàn luận sôi nổi vào năm 2006, từ đó tới nay người ta mới nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này.
Có thể lấy ví dụ từ việc các doanh nghiệp đương thời hiện nay rất chú trọng tới việc tìm ra triết lý hoạt động cho riêng mình, họ coi đó là mục đích kinh doanh và mục tiêu phấn đấu.
Ngành giáo dục Việt Nam dù chưa có triết lý cụ thể, nhưng đã tự ngầm định thông qua các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, có điều chúng ta chưa chính thức tuyên bố.
Vấn đề khẩn thiết đặt ra hiện nay là xác định một triết lý mới, phù hợp với nền giáo dục Việt Nam, điều này không khó vì nhiều quốc gia khác đã làm và làm từ rất lâu trước đó.
PV: Tại Việt Nam, triết lý giáo dục nói chung, triết lý giáo dục đại học nói riêng là khái niệm còn gây tranh cãi, chưa có sự thống nhất ngay cả trong giới nghiên cứu khoa học. Vậy theo ông, liệu chúng ta có cần một triết lý giáo dục cụ thể và được luật hóa không?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Việc khái niệm triết lý giáo dục vẫn đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi có thể là một tín hiệu lạc quan cho thấy các nhà lập pháp và giới chuyên gia cuối cùng cũng đã muốn giải quyết các vấn đề giáo dục ở phần “gốc rễ”, thay vì chạy tới chạy lui tìm “thuốc’’ để trị các “triệu chứng”.
Trong bộ Luật Giáo dục của Việt Nam, kể cả trong lần sửa đổi gần nhất, cũng không đề cập tới khái niệm này. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc nên hay không nên đưa cụm từ này vào các văn kiện chính thức. Việc không đưa ra một triết lý chính thức dù trong thực tế vẫn triển khai các mục tiêu có thể dẫn đến tình trạng xung đột về cách thức thực hiện chương trình cải cách và độ hiệu quả không đồng nhất.
Tôi cho rằng chúng ta nên có một triết lý cụ thể, từ đó xác định được phương hướng, mục tiêu phát triển của nền giáo dục. Triết lý này chỉ cần bao hàm những giá trị phổ quát về một xã hội nơi chúng ta muốn hướng tới và hình mẫu công dân mà chúng ta muốn tạo ra.
Triết lý giáo dục nếu được đặt ra tại Việt Nam, sẽ không lệch khỏi các giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, văn minh, tự lập, sáng tạo,... Ngoài ra chúng ta có thể thêm các yếu tố phù hợp với con người Việt Nam như đoàn kết, nhân ái,...
Khi có một triết lý cụ thể, nếu xảy ra một vấn đề gây tranh cãi về giáo dục, chúng ta có thể lấy đó ra để đối chiếu, đánh giá thay vì coi chúng là những nội dung ngầm định, mỗi người có thể tự hiểu theo các cách khác nhau.
Lấy ví dụ về câu chuyện giáo viên có được dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa hay không. Những giáo viên có trình độ và bản lĩnh có thể nói rằng chuyện đưa những kiến thức ngoài sách giáo khoa vào chương trình dạy là hoàn toàn bình thường vì nó không đi ngược lại Luật Giáo dục và mục tiêu giáo dục. Trong khi những giáo viên khác có thể cho rằng những gì không có trong sách thì sẽ không dạy.
PV: Có quan điểm cho rằng, các cuộc cải cách giáo dục Việt Nam thường chỉ theo chiều từ trên xuống, đó là các nhà lập pháp đặt ra quy định mới cho giáo viên và học sinh, thay vì theo chiều từ dưới lên, bằng cách tham vấn ý kiến người dạy và học trước khi đưa ra cải cách. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Hệ thống hành chính giáo dục ở Việt Nam hiện vẫn mang nặng tính trung ương tập quyền, các đề án cải cách cũng được thực hiện theo chiều từ trên xuống dựa vào các mệnh lệnh hành chính là chủ yếu. Nhưng muốn cải cách giáo dục hiệu quả thì phải thực hiện song song, vừa là mệnh lệnh hành chính từ trên xuống, nhưng đồng thời phải là cuộc vận động từ dưới lên do bản thân giáo viên và học sinh tiến hành.
Việc áp dụng mô hình cải cách từ trên xuống có hai nhược điểm: khi thời gian trôi đi thì sức mạnh hành chính yếu dần, cấp trên buông lỏng, cấp dưới lơ là. Vì là mệnh lệnh hành chính, nên càng về các cấp địa phương thì càng yếu dần, dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Cách làm của chúng ta vẫn thường là đưa ra đề án, sau đó chính sách hóa nó bằng chương trình, bằng thay đổi sách giáo khoa và tập huấn giáo viên, nhưng không hề có điều tra hiện trường xem giáo viên cần gì, học sinh cần gì rồi mới xây dựng đề án.
Dù trải qua bốn lần cải cách, nhưng chúng ta chưa bao giờ tiến hành một cuộc tổng điều tra quy mô toàn quốc xem hiện trạng giáo dục như thế nào và công bố kết quả cho công luận, từ đó mới nắm được người học cần gì, người dạy cần gì, phụ huynh cần gì, từ đó mới tạo dựng chính sách.
Có thể nói Việt Nam không có khái niệm “thực tiễn giáo dục”, trong khi ở nước ngoài giáo viên là người hiểu sâu sắc về nó và có ý thức tạo ra các “thực tiễn giáo dục”. Đó là giáo viên tự sáng tạo ra mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy của riêng mình, nhưng vẫn phù hợp với triết lý giáo dục và luật pháp liên quan đến giáo dục.
Trên thực tế, trong thời gian dài, giáo viên của chúng ta giống những người thợ thực hiện mệnh lệnh từ trên xuống, và bị triệt tiêu không gian sáng tạo, họ không có cơ hội tư duy cái mới, bởi nội dung dạy đã có sẵn trong sách giáo khoa, phương pháp dạy cũng có sẵn trong sách giáo viên, sách thiết kế bài giảng...
Để có “thực tiễn giáo dục”, người dạy cần căn cứ trên luật pháp, hướng dẫn chương trình, sách giáo khoa, trình độ bản thân và điều kiện học sinh, từ đó quy chiếu và tự xây dựng, sáng tạo nội dung giảng dạy.
Nếu không tư duy đột phá thì cứ hết chu kỳ 10-15 năm, chúng ta lại có một cuộc cải cách giáo dục mới, những người làm chính sách lại áp đặt các quy định, giáo viên, học sinh và phụ huynh lại vất vả chạy theo những cái mới.
PV: Hiện nay, các trường tư thục đang có xu hướng quảng cáo rất nhiều mô hình học tập mới mẻ như “Ngôi trường hạnh phúc”, “Toàn diện - mở”, “Khai phóng”... Với cái nhìn của một nhà giáo dục có nhiều liên kết với các trường, ông nhận xét như thế nào về tính thực tiễn của các mô hình này?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Theo tôi, sẽ có ngôi trường làm được mặt này mặt kia, tuy nhiên không phải toàn diện. Giữa nói và làm luôn có độ chênh nhất định, vì vậy rất khó để đạt được mục tiêu. Nhiều trường thể có đường hướng đúng, triết lý hay, nhưng trong thực tế, nguồn lực đâu để thực hiện?
Tôi lấy ví dụ như tiêu chí sáng tạo, giáo dục phải tạo ra những con người sáng tạo và điều này không hề sai. Tuy nhiên, muốn học sinh sáng tạo thì bản thân giáo viên phải sáng tạo. Nhưng hiện tại, hệ thống đào tạo các trường sư phạm ở Việt Nam chưa khuyến khích điều này. Nó dẫn đến hệ thống giáo viên chưa thay đổi, có rất ít giảng viên thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong bài giảng và thay đổi là rất khó.
Thế nên sẽ có những ngôi trường tư làm được mặt này nhưng không làm được mặt kia. Chẳng hạn, họ thiết kế nền tảng rất tốt, về mặt lý thuyết, lý luận không có gì để chê cả. Nhưng trong khóa trình thực hiện thì họ không có giáo viên để thực hiện điều đó. Nếu thuê hoàn toàn giáo viên nước ngoài cũng không được vì giáo viên nước ngoài hiện tại chỉ dạy các môn như Khoa học, tiếng Anh, cùng lắm là Toán. Vậy còn những môn còn lại thì lấy đâu ra người?
Tôi đánh giá trường tư có rất nhiều thế mạnh để nuôi dưỡng, phát triển các mô hình giáo dục mới. Họ có nguồn lực về tài chính tốt, hệ thống nhỏ giúp xoay chuyển nhanh hơn. Nhưng các trường tư cũng vấp rất nhiều về vấn đề cơ chế, vấn đề nguồn lực. Như tình hình tuyển dụng giáo viên hiện nay rất khó vì người tài không phải dễ tìm.
Đấy là tính trên mặt bằng chung. Còn trong thực tế, có rất nhiều trường hợp là chỉ là chiêu bài quảng cáo để thu hút phụ huynh, thực tế không thật như lời mời chào và chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”. Nói một cách tổng quát, hiện tượng trên sẽ bao gồm cả tốt lẫn xấu, cả mô hình hay và mô hình dở. Trong mô hình hay, mô hình dở cũng có cái các trường đã làm được và làm rất tốt, cũng có cái chưa làm được.
PV: Liệu việc xuất hiện ồ ạt các mô hình giáo dục có tạo nên sự nhiễu loạn trong nền giáo dục Việt Nam?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Tôi cho rằng xu hướng này là tốt. Buổi ban đầu, để cải cách giáo dục, hầu hết các quốc gia châu Á đã học theo phương Tây, dịch các sách giáo khoa từ Anh, Mỹ về dạy cho học sinh. Tuy nhiên, những bộ sách giáo khoa này chưa hẳn phù hợp với người bản xứ, vì lý do xã hội phương Tây rất khác với xã hội Nhật, xã hội Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhưng khi ở vạch xuất phát, chúng ta hiểu là họ chẳng có gì trong tay cả, họ buộc phải dùng cách đó.
Hiện nay, cải cách giáo dục tại Việt Nam cũng như vậy. Các trường tư đang trong giai đoạn nhận biết không thể cứ tiếp tục đi theo guồng quay cũ, nhưng nếu học thì “bái ai làm thầy”? Vì thế, họ nhìn ra nước ngoài, thấy môn gì, chương trình nào hay thì sẽ “nhặt” về. Và khoảng 5, 10 năm nữa, khi xã hội Việt Nam phát triển đến một mức nào đó, yêu cầu của người dân tăng lên, hệ thống pháp lý hoàn thiện hơn, lý luận giáo dục sâu sắc hơn, sẽ tạo ra nhu cầu là trường nào thực sự tạo ra được mô hình của riêng mình chứ không phải sao chép từ bên ngoài.
NV: Vậy có nên hiểu thế hệ học sinh hiện tại đang trở thành "chuột bạch" để kiểm nghiệm tính đúng đắn của những mô hình này? Trước bối cảnh hỗn loạn, ý kiến của những nhà quản lý giáo dục là gì hay vấn đề vẫn đang được “thả nổi”?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Nhận định về điều này rất khó, nhưng theo tôi, có trở thành “chuột bạch” hay không phụ thuộc vào cơ may và sự cố gắng của từng học sinh và sự tự giác ngộ của bản thân những người tham gia vào giáo dục, có liên quan đến giáo dục. Buổi ban đầu, hệ thống nào cũng có ít nhiều chệch choạc, giáo dục hay nền kinh tế tư nhân của nước ta cũng thế.
Giai đoạn đầu khi Việt Nam mở cửa, các doanh nghiệp chỉ biết nhập khẩu hàng hóa nước ngoài về bán. Dần dần, công nghệ, sản phẩm của Việt Nam phát triển lên, tiến tới một thị trường hàng hóa đa dạng, xuất khẩu như bây giờ. Và giáo dục cũng vậy, tôi tin sẽ có nhiều ngôi trường trụ được sau những cuộc “thay da đổi thịt” này.
Có điều tôi hiểu cốt lõi của câu hỏi là nếu nhà nước có pháp luật tốt, lực lượng nghiên cứu về giáo dục chất lượng, người dân ý thức được quyền lợi của mình và có yêu cầu cao, thì quá trình chuyển đổi, thúc đẩy các nhà trường đó diễn ra nhanh hơn, bớt hỗn loạn hơn thì học sinh sẽ không chịu thiệt thòi.
Ở Việt Nam, đôi khi ta sẽ thấy giáo dục bị khai thác theo hướng thương mại hóa hoàn toàn, tức là họ lập trường, hoạt động giáo dục với mục đích chính là kinh doanh thu lợi. Trong khi giáo dục lại là một lĩnh vực vừa phải đảm bảo yếu tố về kinh tế, tức là có tiền để trả lương cho giáo viên, để xây dựng trường, để tiếp tục phát triển, nhưng cũng vừa phải theo đuổi mục tiêu dài hạn là phát triển đất nước, phát triển con người.
Giáo dục tư thục ở các nước phát triển đã theo đuổi những mục tiêu này từ rất lâu rồi. Cho nên đến đây, vấn đề lại quay về triết lý, khả năng thực hiện, nguồn lực và bối cảnh xã hội.
Còn về phía các nhà quản lý giáo dục, cần minh định một điều đó là quản lý theo luật. Do vậy, nếu các trường tư không vi phạm luật thì những nhà quản lý không có lý do gì để xử lý họ cả. Cho nên ở Việt Nam, nếu muốn điều chỉnh giáo dục tư nhân hay cả các hệ thống công lập, bán công thì phải có một bộ luật tốt, triết lý giáo dục tốt. Có những điều này, chúng ta có thể soi chiếu và điều chỉnh các quan điểm, mô hình sao cho đúng hướng.
Chẳng hạn trong cuốn “Totto-chan bên cửa sổ”, ta sẽ thấy trường Tomoe hiện lên như một ngôi trường tư với đầy đủ tính tự trị của nó, cho nên trường phát triển rất tốt và hoàn toàn đúng pháp luật. Ở Việt Nam cũng thế, trong phạm vi pháp luật cho phép, ta có thể sáng tạo điều này điều kia và những nhà quản lý chỉ dùng pháp luật để điều chỉnh. Điều này giúp cho cả hai phía khi nhà nước chỉ cần quản lý để các mô hình tư không biến tướng thành những trường học lệch lạc, bớt xén phần ăn của học sinh và “làm tiền” phụ huynh. Nhưng mặt khác, cũng huy động mọi nguồn lực tư nhân để tạo động lực phát triển giáo dục.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương!