Trước đây, Chung Ah-reum thường thích mua sắm các món đồ như túi xách, giày dép từ các thương hiệu thời trang xa xỉ. Nhưng hiện nay, khi đã ngoài 30, nữ nhân viên văn phòng này đã ngừng việc đó lại.
Sống một mình ở quận Gangnam, Seoul, Chung cũng không còn đam mê omakase, một món ăn sang trọng đắt tiền do đầu bếp chế biến theo phong cách Nhật Bản mà trước đây cô thường thưởng thức.
Cô nói: "Tôi đã từ bỏ lối chi tiêu xa xỉ của mình vì áp lực chi phí sinh hoạt cao. Tôi nhận ra rằng tư duy tiết kiệm là điều cần thiết để có thể trả tiền thuê nhà hàng tháng, chi trả cho các sinh hoạt phí khác và có thêm khoản dư".
Những câu chuyện như của Chung hiện nay đã trở nên phổ biến và dường như thể hiện sự thay đổi trong mô hình chi tiêu của những người trẻ ở thế hệ MZ (thuật ngữ tiếng Hàn để chỉ thế hệ Millennial và thế hệ Z) tại Hàn Quốc.
Trước đây, họ theo đuổi nền văn hóa thích phô trương sự giàu có, thành công và của cải xa hoa ở nơi công cộng. Nhưng khi tình hình lạm phát tăng cao khiến tiêu dùng nội địa nước này bị cản trở, cách chi tiêu của người trẻ cũng thay đổi theo.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 2/2024. Người dân có thể nhận thấy rõ ràng giá nông sản, vật nuôi và thủy sản, các mặt hàng thực phẩm hàng ngày đều đã tăng lên cao.
Ngoài ra, sự biến động về giá cả toàn cầu do xung đột gia tăng ở Trung Đông, tỷ giá ngoại tệ và chi phí năng lượng được dự đoán sẽ làm tăng áp lực lạm phát.
Trong hoàn cảnh đó, những người ở độ tuổi 20 và 30 đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, quần áo và các hoạt động mua sắm khác.
Theo một phân tích của ứng dụng quản lý chi tiêu Bank Salad công bố hôm 21/4 nhằm nghiên cứu mô hình chi tiêu của một triệu người dùng, những người ở độ tuổi 20 đã chi 169 tỷ won (122,55 triệu USD) cho thực phẩm trong tháng 2, giảm 21,8% so với năm trước. Đối với những người ở độ tuổi 30, chi tiêu hàng năm cho thực phẩm giảm 24,2% xuống còn 111,8 tỷ won.
Về chi tiêu cho rượu và đồ ăn trong quán bar, những người ở độ tuổi 20 đã chi 15,8 tỷ won, ít hơn 30% so với một năm trước đó. Còn những người ở độ tuổi 30 cũng giảm 32,3%, xuống còn 13,4 tỷ won. Chi phí cho việc mua sắm quần áo và vật dụng khác của những người ở độ tuổi 20 giảm 14,5% xuống 49,8 tỷ won và người ở độ tuổi 30 giảm 17% xuống còn 42,2 tỷ won.
Do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, những người trẻ tuổi cũng đang tìm kiếm thêm các công việc phụ. Theo báo cáo của Ngân hàng Shinhan, 16,9% người lao động cho biết họ có một công việc làm thêm. Hơn một nửa số người có thâm niên dưới 10 năm đang quan tâm đến công việc phụ, 61,9% trong số đó nói rằng lý do là vì chi phí sinh hoạt cao khiến áp lực kinh tế của họ càng tăng cao.