Hai bên đã bổ nhiệm đặc phái viên vào tháng trước để khởi động các cuộc đàm phán sớm để một thỏa thuận mới có hiệu lực vào năm 2026.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết mục đích của cuộc thảo luận là nhằm đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 nhằm tránh kịch bản cựu Tổng thống Donald Trump, người đòi tăng phí đồn trú ở Bán đảo Triều Tiên, lên nắm quyền Nhà Trắng.
Hơn 28.000 lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc như một phần trong nỗ lực đảm bảo an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc bắt đầu gánh chịu một phần chi phí, được sử dụng để tài trợ cho lao động địa phương, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần vào đầu những năm 1990.
Dưới thời ông Trump, Mỹ và Hàn Quốc đã phải đàm phán trong nhiều tháng để đạt được thỏa thuận trước khi phía Seoul đồng ý tăng mức đóng góp thêm 13,9% so với hiệp ước năm 2019, trong đó quy định Hàn Quốc chi trả khoảng 920 triệu USD mỗi năm.
Cựu Tổng thống Trump từng yêu cầu Seoul trả tới 5 tỷ USD mỗi năm.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết các cuộc đàm phán đang đi đúng hướng và trước thời hạn, nhưng phía Mỹ không coi tháng 11 là “thời hạn cứng rắn”.
Một quan chức cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng trước cho biết chính quyền Seoul kỳ vọng sẽ không có sự thay đổi cơ bản nào trong quan hệ ngay cả khi cử tri Mỹ bầu tổng thống mới, nhưng hy vọng sẽ có tiến triển trong các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng trong năm nay.