Vang bóng một thời
Có thể nói, đối với các hình thái nghệ thuật cung đình, tuồng cung đình Huế là một hiện tượng phát tích rực rỡ trong truyền thống kịch hát dân tộc. Dưới triều Nguyễn, nghệ thuật tuồng đã phát triển cực thịnh. Đặc biệt, thời Tự Đức và Thành Thái, tuồng đã được nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện, mang tính bác học cả về mặt kịch bản cũng như nghệ thuật biểu diễn.
Lúc bấy giờ, tuồng được mọi tầng lớp trong xã hội từ vua, quan đến dân chúng hết sức ưa chuộng. Tại Huế, các rạp hát bắt đầu mọc lên khắp nơi, sân khấu tuồng từ trước vốn có chỉ phục vụ vua quan triều đình, dàn dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng.
Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945 có thể kể đến như: Bắc Hòa, Nam Hòa, Ðồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh... Tên tuổi những “cô đào” tài sắc vẹn toàn vẫn còn lưu mãi trong lòng công chúng như: cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Ðồng, cô Ba Vĩnh... Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế. Tuồng trở thành “quốc kịch” của một quốc gia.
Tuy nhiên, từ sau 1945, Huế không còn là kinh đô của cả nước, tuồng cũng mai một dần. Thậm chí hơn 10 năm trở lại đây, với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, tuồng Huế đang vắng dần khán giả. Hầu như những người trẻ không mấy quan tâm, bởi họ rất ít hiểu và ít cảm thụ được loại hình diễn xướng truyền thống này. Trong khi các nghệ sĩ “gạo cội” ngày một lớn tuổi, việc tìm người trẻ kế thừa vẫn là vấn đề nan giải.
Một số giáo viên dạy tuồng tại trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên - Huế vẫn đang trăn trở vì không được truyền nghề cho người trẻ, bởi không tuyển được học sinh thực sự đam mê. Vả lại, trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng khó nhất, học rất vất vả vì tổng hợp giữa vũ đạo, giọng hát và biểu hiện tâm lý, đòi hỏi phải có giọng ca, thanh sắc và cả sức khỏe.
Các nghệ sĩ Huế phục dựng vở tuồng “Ngọn lửa hồng sơn”. |
“Lúc trước bà nội em đi hát tuồng nên từ nhỏ cũng rất đam mê loại hình nghệ thuật này. Em dự định sang năm học hết lớp 9 sẽ theo học ngành tuồng ở Huế. Nhưng qua tìm hiểu, em biết được những năm gần đây không có ai theo học ngành này, khán giả cũng không mấy mặn mà với tuồng nên cũng đang chần chừ chưa biết thế nào...”, em Nguyễn Quỳnh Chi (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thổ lộ.
Trong xu thế khó khăn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã tự đào tạo thế hệ kế cận để giữ gìn tuồng Huế. NSND Bạch Hạc, Giám đốc nhà hát cho biết: “Không có nhân lực, nhà hát phải tìm cách khai thác nhân lực. Tiêu chí của nhà hát khi nhận người phải làm được 3 việc: múa, hát và tuồng. Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhìn ra được tố chất của các em và tập luyện cho các nghệ sĩ trẻ. Hàng năm, nhà hát tự đào tạo người của mình và bây giờ, chúng tôi vẫn còn người để đào tạo”.
Bảo tồn di sản
Với mong muốn bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, gìn giữ tinh hoa vốn cổ của ông cha; nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến nghệ thuật tuồng Huế. Nhiều vở tuồng và trích đoạn tuồng đã được phục dựng và biểu diễn như: Sơn Hậu, Nguyệt Cô hóa cáo, Ngọn lửa hồng sơn, Quần phương tập khánh… Trong số đó, nhiều trích đoạn đã được xây dựng thành sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách tham quan tại nhà hát Duyệt Thị Đường và tại các điểm tham quan thuộc khu di sản Huế.
Hay tin Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bắt tay vào thực hiện đề tài cấp tỉnh số hóa tuồng Huế, rất nhiều văn nghệ sĩ Huế vui mừng vì đây là cơ hội để bảo tồn lâu dài và bài bản loại hình nghệ thuật nổi tiếng của vùng đất Cố đô. Trong điều kiện số lượng nghệ nhân tuồng Huế ngày càng giảm theo thời gian, yêu cầu về một cơ sở dữ liệu cho loại hình nghệ thuật này là vô cùng cần thiết. Theo đó, công trình xây dựng cơ sở dữ liệu tuồng Huế có nhiệm vụ lưu trữ và hệ thống lại toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có, đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu.
“Việc bảo tồn và khôi phục tuồng Huế theo nguyên mẫu như ngày xưa là chuyện không phải dễ. Hiện kịch bản cổ của tuồng Huế đang được lưu trữ rải rác khắp cả nước, ở các bảo tàng cũng như các gia đình. Biết vậy, nhưng chúng tôi cũng chưa có điều kiện đi hết các vùng miền để sưu tập”, bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu nghệ thuật, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế chia sẻ. Theo bà Phương, đề tài số hóa tuồng được thực hiện trong vòng 2 năm nên áp lực không nhỏ, bởi chỉ riêng việc thu thập tài liệu, dịch thuật cũng đã chiếm thời gian nhiều rồi.