“Tuy nhiên, chỉ trong một năm qua đã có thêm hàng chục đơn vị trong nước sử dụng phần mềm để kết nối kinh doanh vận tải. Như vậy, việc cạnh tranh của hai đơn vị không còn nhưng cạnh tranh với đơn vị cung cấp công nghệ trong nước vẫn còn,” Thứ trưởng Đông cho hay.
Tại buổi họp báo quý 1 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (29/3), theo Thứ trưởng Đông, Uber và Grab là giải pháp công nghệ cung cấp cho đơn vị vận tải để kết nối và Bộ Giao thông Vận tải đã cho thực hiện thí điểm.
“Việc sát nhập giữa 2 hãng này với nhau là hoạt động của doanh nghiệp và soi chiếu theo Luật Doanh nghiệp trong quy định của Việt Nam và thế giới đều có thể thực hiện,” Thứ trưởng Đông nhìn nhận.
Theo ông Đông, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là quản lý đơn vị vận tải sử dụng ứng dụng. Dự thảo Nghị định sửa đổi 86 tới đây, Bộ đã đưa điều khoản quản lý loại hình vận tải sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử vào quản lý. Cùng đó, Bộ không ấn định số lượng xe nhưng quản lý về cơ chế giá bởi thực tế Việt Nam chưa làm được vấn đề này.
Liên quan đến việc lái xe “kêu cứu” vì Uber sau khi sát nhập dẫn đến quyền lợi của tài xế khó đảm bảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thẳng thắn, Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng tiếp xúc và giao Vụ Vận tải giải đáp các thắc mắc của lái xe.
“Thực tế, cũng nên nhìn nhận rằng, khi chủ xe thực hiện đầu tư phương tiện để kinh doanh chưa xem xét chặt chẽ vấn đề pháp lý, hợp đồng dân sự để đảm bảo pháp lý nên không tránh khỏi rủi ro. Nhà nước không thể làm thay việc chủ xe có tiền để đầu tư xe chạy Grab hay Uber, mà quản lý việc chạy xe thế nào, quản lý chặt vấn đề thuế và giá,” Thứ trưởng Đông khẳng định.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước đối với Uber và Grab, hiện các bộ, ngành đều thực hiện đầy đủ các quy định liên quan, giải quyết cạnh tranh hay độc quyền được thực hiện theo Luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương.
“Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng Uber. Các bộ ngành liên quan đến việc bảo vệ doanh nghiệp trong nước đã và đang hành động để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, đối tác Uber và Grab,” ông Ngọc nhấn mạnh.
Trả lời về việc quản lý xe ôm công nghệ còn bỏ ngỏ, ông Ngọc cho biết, theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý. Bộ Giao thông Vận tải sẽ theo dõi và thời gian tới sẽ đánh giá tổng kết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2018 về quản lý xe 2 bánh của địa phương để từ đó tham mưu Chính phủ đưa ra các điều kiện kinh doanh đảm bảo thuận lợi cho người dân, an toàn hành khách.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng đinh, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu và cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý an toàn, điều kiện trách nhiệm cá nhân kinh doanh, tổ chức đối với loại hình xe 2 bánh chạy ứng dụng công nghệ.
Được biết, ứng dụng đặt xe Uber sẽ hoàn toàn biến mất trên thị trường Việt Nam từ ngày 8/4 sau thương vụ Uber “bán mình” cho Grab. Không ít tài xế lo lắng có được đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ như Uber hoặc Grab lại tăng tỷ lệ mức chiết khấu đối với lái xe…
Trong khi đó, nhiều hành khách tỏ ra băn khoăn tài khoản đặt xe Uber (ngân hàng, thẻ ghi nợ, khách xếp hạng sao…) có được bảo lưu khi chuyển sang ứng dụng gọi xe Grab đồng thời nghi ngờ loại hình gọi xe công nghệ của Grab độc quyền vì tính cạnh tranh đã bị triệt tiêu đi và hãng xe có thể đơn phương tăng giá cước trong thời gian tới.