Theo Kế hoạch 29/KH-UBND ngày 25/1/2018 của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ nhà ở hộ nghèo trên địa bàn, năm 2018 toàn thành phố có hơn 4.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với kinh phí 163,14 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, số nhà đã khởi công và hoàn thành là hơn 3.300 hộ, đạt 76,4%. Các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Sóc Sơn cơ bản hoàn thành chỉ tiêu. Theo kế hoạch, đến ngày 17/10, thành phố phải thực hiện xong việc xây mới, sửa chữa nhà cho người nghèo, cho nên thời điểm hiện tại đang là giai đoạn "nước rút" để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, nguồn ngân sách hơn 108 tỷ đồng do UBND thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ cho 15 huyện, thị xã có hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở đúng kế hoạch, tiến độ. Ngoài số tiền này, thành phố đã huy động xã hội hóa hơn 26 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo, nhiều địa phương cũng làm tốt công tác vận động, kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, cho nên nhiều hộ nghèo được hỗ trợ cao hơn mức 45 triệu đồng đối với nhà xây mới, 30 triệu đồng với nhà sửa chữa theo quy định của thành phố.
Năm 2018 là năm thứ 3 TP Hà Nội thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Để thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, thành phố đã yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chính sách cho người nghèo được quan tâm đặc biệt.
Từ năm 2016 đến nay, chuẩn nghèo trên địa bàn Hà Nội là 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Việc chuẩn nghèo của Hà Nội được điều chỉnh theo hướng tăng cao tạo điều kiện mở rộng thêm nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ. Trong đó, người nghèo không chỉ được hỗ trợ về xây mới, sửa chữa nhà ở, mà còn được tạo điều kiện học tập, làm việc để chủ động thoát nghèo. Thành phố đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho toàn bộ người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân phong. Các đối tượng này được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với mức phí ưu đãi (thấp hơn mức phí Trung ương quy định). Tính đến năm 2018, thành phố trích ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hơn 2.000 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vay vốn.
Nhiều hộ nghèo được tặng sổ tiết kiệm, các thiết bị nghe, nhìn, giúp các hộ nâng cao khả năng tiếp cận thông tin. Bên cạnh hình thức hỗ trợ trực tiếp dựa vào nhu cầu của từng gia đình, các ngành, địa phương còn đầu tư một số chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi, những địa bàn còn nhiều khó khăn giúp người dân có thêm việc làm, thu nhập.
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, thành phố dành mọi nguồn lực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các chính sách người có công, xóa đói, giảm nghèo, tạo sự công bằng xã hội… Trên thực tế, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội của thành phố đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 8,43%, thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,69%. Năm 2017, 11 quận, huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó quận Cầu Giấy không còn hộ nghèo. Thành phố không còn gia đình chính sách nghèo; đời sống người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, các xã miền núi được cải thiện đáng kể.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thông tin, từ ngày 1 - 30/9, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các địa phương thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của các hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo.