Đây là một trong những nội dung được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 104/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2018.
Chính sách nhân văn
“Thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu” - nghị quyết của Chính phủ nêu.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh THCS công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, ngân sách phải chi thêm khoảng 4.730 tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện theo đúng chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm có khoảng hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi.
Ảnh minh họa |
Trước đó, khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu năm, nội dung “miễn học phí cho học sinh THCS” đã bị đưa ra khỏi dự luật. Bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi đang gặp khó khăn. Nhiều đại diện đến từ các Sở GD-ĐT trong nước đã lên tiếng phản đối. Ông Bùi Đình Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Tiên, Hà Nam từng thẳng thắn chia sẻ: Chính sách miễn học phí đối với cấp THCS là chính sách đã chín muồi. Đơn cử, mức thu học phí ở huyện Duy Tiên mỗi năm chỉ được 7,7 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách chi toàn huyện mới có gần 500 tỷ đồng, nó không đáng bao nhiêu so với mức thu học phí, nhưng nhiều gia đình nghèo khó có thể trang trải. Ngay tại Hà Nội, bắt đầu từ năm học 2018-2019, mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở tất cả các địa bàn đều tăng. Cụ thể, học sinh khu vực thành thị đóng 155.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 45.000 đồng), ở nông thôn 75.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 20.000 đồng), miền núi 19.000 đồng/ tháng/học sinh (tăng 5.000 đồng). Với mức tăng này, người dân ở vùng nông thôn, ngoại thành, miền núi thu nhập chủ yếu từ nghề nông, làm thuê thì việc bớt được vài trăm nghìn đồng tiền đóng học phí mỗi kỳ sẽ làm giảm đáng kể áp lực về cả tâm lý và tài chính, nhất là với những hộ nghèo có hai con cùng đi học.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng nhiều lần đề cập việc miễn học phí tới cấp THCS là điều tất yếu cần thực hiện, nhất là khi đất nước đã phát triển như hiện nay. Thậm chí, khi góp ý sửa Hiến pháp năm 2013, GS Hạc từng đề nghị cần đưa vào Hiến pháp quy định “Tất cả các bậc học phổ cập thì được miễn học phí”.
Phụ huynh băn khoăn
Miễn học phí tới cấp THCS là chính sách tốt đối với người dân, nhưng nhiều phụ huynh thẳng thắn bày tỏ quan điểm, trong khi ngân sách không tăng, nhà trường lấy kinh phí ở đâu để giải quyết việc miễn học phí, hay rút từ cái này “đập” vào cái kia?
Chị Bùi Thị Hạnh – một phụ huynh có con học trường THCS Trung Tự, Hà Nội cho rằng: Thực hiện miễn học phí, các cơ quan chức năng phải ban hành những yêu cầu, quy định chặt chẽ khác đi kèm để người dân không phải đóng góp các khoản khác để bù vào học phí. Thực tế thì Luật Giáo dục hiện hành quy định ngoài học phí, người học không phải nộp khoản nào khác nhưng rõ ràng, phụ huynh và học sinh vẫn phải “cõng” rất nhiều các khoản tự nguyện khác.
Anh Phạm Hồng – phụ huynh có 2 con gái đang học trường Thăng Long, Hà Nội cũng đồng quan điểm: “Nhìn một số trường công lập thấy mà thương các con quá. Mấy chục năm quay lại vẫn vậy, phòng ốc cũ kỹ, toa lét thì ôi thôi, bàn ghế chật chội, chỉ khác là số lượng học sinh mỗi năm một đông, các con đến trường nườm nượp, hiếm có lớp nào sĩ số dưới 50 trẻ. Nhìn sang mấy trường tư và quốc tế mà thấy thèm. Học phí công lập thì miễn nhưng thu phụ phí gấp 10 lần học phí thì còn tệ hơn”.
Trước lo lắng của phụ huynh, đại diện Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu để có giải pháp kiểm soát. Cụ thể, Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định. Để việc thực thi đạt hiệu quả, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.
Tố lạm thu, hãy gọi 088.899.6970
Danh mục các số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về công tác thu chi sai quy định ở Hà Nội được công bố công khai tại website: www.hanoi.edu.vn. Ngoài ra, phụ huynh, học sinh và người dân cũng có thể liên hệ tới số điện thoại đường dây nóng của Sở GD-ĐT Hà Nội: 088.899.6970. Thời gian hoạt động của đường dây nóng từ ngày 15/8 - 30/10/2018.