Bác sỹ-TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cho biết: Hiện nay sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động và cần được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.
Năm 2011 tỷ lệ tiêu thụ bia là 2,7 lít, đến năm 2017 đã tăng lên trên 4 tỷ lít. Đồ uống có cồn nói chung năm 2014 là 4,4 lít cồn/người 15 tuổi trở lên; đến năm 2017 là 8,5 lít.
Thị trường sản xuất, tiêu thụ rượu bia kiểm soát lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, nội dung chế tài thiếu cụ thể. Rượu bia tại Việt Nam sẵn có, dễ tiếp cận “nhất thế giới”; ai mua cũng được, mua bao nhiêu… không hạn chế. Quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ phát song ở giờ vàng, nhan nhản trên internet. Thuế thấp “hàng đầu khu vực” chỉ 30% giá bán lẻ.
Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược chính sách Y tế nhấn mạnh: Sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác của Việt Nam đang ở mức đáng báo động - cao hơn so với mức bình quân của thế giới và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Năm 2016 tỷ lệ sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn tại Việt Nam cao thứ 2 Đông Nam Á; thứ 3 châu Á, thứ 64 trên thế giới.
Với chi tiêu trung bình cho rượu bia là 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng. Nếu số tiền mua này được dùng để mua xe máy thì có thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy được sử dụng phương tiện đi lại. Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu hay bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến 1 cốc sữa/năm.