Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đường vành đai 3 là trục chính đô thị, có vai trò quan trọng trong phân phối giao thông Thủ đô. Hiện nay, còn đoạn phần dưới thấp của đường vành đai 3 (qua hồ Linh Đàm) có chiều dài khoảng 560m chưa được đầu tư để kết nối, các phương tiện đi theo đường vành đai 3 dưới thấp phải đi vòng qua đường Nguyền Hữu Thọ để ra đường Giải Phóng và ngược lại dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và đường vành đai 3.
Mặt khác, khu vực hồ Linh Đàm tập trung rất nhiều khu dân cư, khu đô thị nên nhu cầu đi lại từ đường vành đai 3 trên cao xuống đường dưới thấp là rất lớn nhưng chưa có nhánh kết nối lên xuống, các phương tiện giao thông phải tập trung về nút giao Pháp Vân và nút giao Thanh Xuân dẫn đến các nút giao thường xuyên trong tình trạng quả tải, ùn ứ.
Do vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhận thấy, việc đầu tư xây dựng dự án này là cần thiết và đem lại hiệu quả rất lớn đồng thời tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng cũng được khép kín đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Theo đó, dự án sẽ xây dựng 2 cầu đi thấp, mỗi cầu rộng 13m qua hồ Linh Đàm với chiều dài khoảng 660m (2x330m), kết hợp bố trí 2 nhánh kết nối có chiều rộng 7m (1 nhánh lên theo hướng từ Thanh Xuân đi Pháp Vân và 1 nhánh xuống theo hướng từ Pháp Vân đi Thanh Xuân).
Dự án này nếu được thông qua sẽ có tổng mức đầu tư của dự án gần 486 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ 2017-2018.