Cuộc trao giải khó hiểu
Chiều 8/9 một cuộc trao giải hiến kế cho giải pháp giao thông Hà Nội với tổng số tiền trao giải lên đến 4,5 tỷ đồng.
Trái ngược với sự rầm rộ khi phát động cuộc thi, lễ trao giải được tổ chức khá khó hiểu. Thông tin về buổi lễ không được công bố rộng rãi, thông tin về các ý tưởng được trao giải khá khan hiếm. Buổi công bố chỉ có sự tham gia của lãnh đạo thành phố cùng các đơn vị liên quan. Báo giới không được tiếp cận với buổi công bố này.
Trả lời phóng viên Infonet, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết ông chỉ là người tổ chức cuộc thi, không biết rõ về việc báo chí không được tới tham dự buổi lễ công bố. Xác nhận về kết quả nhưng vị lãnh đạo Sở Giao thông TP Hà Nội chối cung cấp thêm thông tin.
Trong khi đó, thời điểm phát động cuối năm 2016, đây là cuộc thi nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong bối cảnh giao thông đang là vấn đề nóng của Hà Nội. TP Hà Nội treo giải 200.000 USD (khoảng hơn 4 tỷ đồng) cho ý tưởng xuất sắc nhất. Đây là số tiền thưởng rất lớn cho một ý tưởng mang tính hiến kế.
Hiến kế cho giải pháp giao thông Hà Nội |
Trải qua hơn 8 tháng tìm kiếm, vào chiều ngày 8/9, Hà Nội trao giải nhì (không có giải nhất) trị giá 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) cho một ý tưởng được xây dựng bởi liên danh viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI).
Ngoài ra, 5 đơn vị khác lọt vào vòng chung khảo cũng đã được nhận số tiền hỗ trợ là 25.000 USD (khoảng 500 triệu). Như vậy tổng số tiền chi giải thưởng ý tưởng này lên đến hơn 4,5 tỷ đồng.
Giải thưởng cao nhất được trao cho một liên danh viện với ý tưởng theo quy trình, mang tầm nhìn khá xa. 5 giải lọt vào vòng chung khảo cũng là các đơn vị. Nhiều giả thiết được đặt ra, có hay không các cá nhân tham gia với sáng kiến kiểu đột phá trong khi đây là cuộc thi ý tưởng mang tính chất hiến kế?
Kế đã cũ?
Báo Lao động dẫn lời đại diện nhóm chuyên gia đạt giải nhì chia sẻ về 7 chiến lược trong ý tưởng đoạt giải. Đó là mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông; cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân; phát triển đô thị theo hình thức TOD mở rộng các khớp nối giao thông theo định hướng phát triển giao thông công cộng; chuyển đổi dần nhận thức của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng; lộ trình để thực hiện những chiến lược trên theo ngắn hạn và dài hạn.
Chiến lược này không khác nhiều so với đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030. Trong khi đó, đề án đã được chính thức thông qua và đưa vào Nghị quyết Hội đồng Nhần dân Thành phố vào ngày 4/7 vừa qua.
Như vậy một ý tưởng được trao giải thưởng lên tới 2 tỷ đồng, hiến những kế tương tự đề án đã chính thức được thông qua, chỉ chờ đưa vào thực hiện?
Lộ trình thực hiện đề án được Hà Nội chia làm 3 giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải;
- Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng;
- Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối...
7 chiến lược trong ý tưởng đoạt giải thưởng trị giá 2 tỷ đồng hiến kế giao thông Hà Nội:
Thứ nhất, mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ.
Thứ hai, cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe.
Thứ ba, phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị.
Thứ tư, giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.
Thứ năm, đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc.
Thứ sáu, phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng.
Thứ bảy, lộ trình để thực hiện những chiến lược trên theo ngắn hạn và dài hạn.
Theo Infonet