Theo Nghị quyết, mức thu học phí năm học 2018-2019 sẽ tăng ở cả ba khu vực thành thị, nông thôn, miền núi.
Theo ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, học phí đối với bậc mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2018-2019 tại khu vực thành thị là 155.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 45.000 đồng/tháng/học sinh so với năm học trước; với các trường tại khu vực nông thôn là 75.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 20.000 đồng/tháng so với năm học trước và học phí tại các trường thuộc khu vực miền núi là 19.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 5.000 đồng/tháng so với năm học trước.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết số tăng thu học phí một phần sẽ được dùng để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và phần còn lại để chi sự nghiệp giáo dục hằng năm.
Mức thu học phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân thành phố, đồng thời không làm ảnh hưởng đến học sinh hộ nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương.
Tổng số thu học phí theo mức thu mới dự kiến đạt hơn 939 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm học trước. Trong đó, học phí khu vực thành thị tăng hơn 170 tỷ đồng; khu vực nông thôn tăng hơn 93 tỷ đồng; vùng miền núi tăng gần 0,8 tỷ đồng.
Tiền thu học phí chiếm tỷ lệ 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của thành phố. Do vậy, dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước.
Đồng tình với đề xuất thay đổi mức thu học phí cho bậc mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên của Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp, ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết học phí hằng năm sẽ điều chỉnh tăng dần trong khung quy định, đến năm học 2020-2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.
Việc điều chỉnh tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố làm tốt công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận với mức thu học phí mới.
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.