Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, giai đoạn 1 của dự án bao gồm xây dựng công trình đầu mối như nhà máy, bể hút, bể xả, cống xả, cống tự chảy, mua sắm thiết bị máy bơm, thiết bị điện, xây dựng hệ thóng điện trung thế và trạm biến áp, nạo vét kênh La Khê với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng.
Ông Chu Phú Mỹ, giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước phía Tây Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tiêu úng cho 6.300 ha của huyện Hoài Đức, Hà Đông, quận Nam - Bắc Từ Liêm.
Cùng với các trạm bơm Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên có thể đảm bảo tiêu nước cho diện tích khoảng hơn 18.600 ha khu vực phía Tây Hà Nội. Đồng thời hạ mực nước sông Nhuệ để hỗ trợ tiêu cho khu vực khác ở Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên.
Về tiến độ thực hiện, lãnh đạo Ban quản lý dự án của Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định nếu được bố trí đủ vốn, dự án có thể vượt tiến độ trước 5 tháng, hoàn thành vào tháng 3/2018 thay vì tiến độ đề ra là tháng 8/2018.
Khẳng định đây là dự án rất quan trọng, bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng nhiều năm qua Hà Nội vẫn chịu thách thức rất lớn về úng ngập. Theo ông Hải, tình hình cải thiện năng lực thoát nước của Hà Nội dù có tiến triển, giảm được số điểm úng ngập, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tình hình mưa ngập vẫn rất đáng lo.
“Hà Nội vẫn còn rất đáng lo lắng khu mùa mưa đến. Trước đây có 50 điểm ngập rồi giảm dần nhưng với hạ tầng của một đô thị cũ nên còn quá tải về tiêu thoát nước. Đặc biệt do địa hình cốt nền khác nhau nên việc giải quyết úng ngập còn khó khăn, mưa đến là phải trải người đi các điểm ngập, thậm chí có nơi không biết tiêu nước đi đâu” ông Hải nêu.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng lưu ý với tình hình biến đổi khí hậu, đô thị hoá nhanh, vấn đề giải quyết úng ngập của Hà Nội cần phải đẩy nhanh và phải giải quyết căn cơ, bài bản.
“Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội là công trình trọng điểm, phải lấy mục tiêu đưa vào khai thác trước mùa mưa năm 2018 vì không lường được biến đổi khí hậu thế nào, càng không thể đợi dự án này đến năm 2020. Vì vậy, Sở NN&PTNT phải chỉ đạo Ban quản lý dự án bám sát tiến độ thi công của nhà thầu, tránh tình trạng tới thời điểm cần vận hành lại nói xin lỗi là không được” ông Hải lưu ý.
Để đẩy nhanh tiến độ, Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu thành phố và các sở ngành liên quan ưu tiên nguồn vốn.
“Đây là trạm bơm tiêu lớn hơn trạm bơm Yên Sở Hà Nội, cũng lớn nhất nhất Việt Nam, nhưng trong thiết kế về tiêu thoát nước cần phải tính toán việc tiêu thoát trùng nhau với các khu vực trạm bơm Yên Sở. Ngay trạm bơm Yên Sở trong trận ngập lịch sử năm 2008 cũng suýt ngập, vì thế khi dự án đảm bảo khả năng tiêu thoát trùng nhau cho các khu vực thì càng có thêm phương án dự phòng để đảm bảo an toàn".
"Còn để ngập như năm 2008 là không thể được. Như trận ngập khi đó mọi người nói là “thất thủ”, và vận hành một đô thị lớn như Hà Nội thì không được phép để lặp lại chuyện như vậy” ông Hải nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ