Hà Nội ra quân xử lý nhà xe bỏ bến chạy dù sau phân tuyến

(Ngày Nay) - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định không để cho các nhà xe bỏ bến có cơ hội chạy dù, bắt khách dọc đường.
Nhiều nhà xe đã rời bến Mỹ Đình nhưng không chuyển sang bến Nước Ngầm.
Nhiều nhà xe đã rời bến Mỹ Đình nhưng không chuyển sang bến Nước Ngầm.

Theo kế hoạch phân luồng tuyến xe khách liên tỉnh của Sở GTVT Hà Nội, đến 10/1, các nhà xe phải hoàn thành việc chuyển sang bến mới.

Theo ghi nhận của PV, bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, mọi thủ tục chuyển và tiếp nhận các nhà xe đã hoàn tất nhưng bến xe Nước Ngầm vẫn còn 30% nhà xe trong diện điều chuyển chưa đăng ký vào bến.

Chiều 11/1, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết ông có nghe báo cáo về việc các nhà xe không chịu chuyển đến bến Nước Ngầm mà chạy dù, bắt khách ở bến cóc.

“Tôi khẳng định các nhà xe bỏ bến chắc chắn không thể nào chạy dù được. Sở chỉ đạo Thanh tra giao thông ra quân tăng cường kiểm tra, rà soát trên các tuyến đường. Sẽ xử lý nghiêm xe dù, bến cóc”, ông Viện khẳng định.

Cũng theo vị này, việc xử lý xe dù, bến cóc không chỉ là quyết tâm của Sở mà đó còn là chủ trương của UBND Hà Nội.

Ông Vũ Văn Viện cho rằng sau chuyển luồng tuyến, việc không vào bến là quyền của các nhà xe. Sáng nay, Sở đã yêu cầu lập danh sách các nhà xe không chuyển sang bến mới.

“Các nhà xe đã tự từ chối quyền lợi của mình. Sau ngày 10/1, bến xe được phép không tiếp nhận các nhà xe vào bến”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm thông tin: “Theo kế hoạch, bến Nước Ngầm sẽ nhận gần 500 ‘lốt’ xe chủ yếu từ bến Mỹ Đình và Giáp Bát. Theo thống kê, điểm hiện tại vẫn còn khoảng 30% nhà xe chưa chuyển. Chúng tôi đã báo cáo lên Sở GTVT”.

Trả lời PV qua điện thoại, một nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa – Mỹ Đình (nằm trong diện điều chuyển sang bến Nước Ngầm) cho biết: “Chúng tôi thà bỏ xe nằm không chứ không sang bến Nước Ngầm. Bên đó giá dịch vụ cao gấp nhiều lần bến khác lại không có khách. Hơn nữa, Nước Ngầm nằm trên đất thuê lại, sau này chủ đầu tư đòi lại thì các nhà xe phải ra đường”.

Nhà xe này dẫn chứng ở bến Mỹ Đình, số tiền dịch vụ xuất bến chỉ hơn 100.000 đồng. Tuy nhiên số tiền tương ứng ở Nước Ngầm là gần 200.000 đồng, chưa kể tiền gửi xe.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập khẳng định bến xe Nước Ngầm thu phí đúng theo quy định của thành phố.

Theo quy định của UBND Hà Nội, bến xe nhà nước được phép thu mức giá tối đa đối với tuyến vận tải có cự ly dưới 150 km là 1.724 đồng/ghế; 2.070 đồng/ghế đối với cự ly 150-300 km; 2.760 đồng/ghế cự ly trên 300 km.

Còn đối với bến xe tư nhân, mức thu tối đa ở cự ly dưới 100 km là 3.400 đồng/ghế, cự ly từ 101-150 km là 3.800 đồng/ghế; cự ly từ 151-300 km là 4.000 đồng/ghế; cự ly 301-500 km là 5.000 đồng/ghế…

“Nguyên nhân giá dịch vụ ở bến Nước Ngầm cao hơn bến Mỹ Đình, Giáp Bát là do bảng giá dịch vụ được phép thu của chúng tôi cao gần gấp đôi các bến khác”, ông Lập giải thích.

Theo Zing
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.