Sở Giao thông Hà Nội vừa yêu cầu 12 doanh nghiệp vận tải chưa đưa xe vào hoạt động tại bến mới theo phương án điều chuyển luồng tuyến của thành phố, phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để thực hiện các quy định liên quan.
Hạn chót của "tối hậu thư" trên là 10/2, nếu các nhà xe không hoạt động tại bến mới, Sở Giao thông sẽ xử lý theo quy định.
Là một trong 12 doanh nghiệp có trong danh sách, ông Bùi Danh Liên (Giám đốc HTX Vận tải Thăng Long) cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện chủ trương sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô trên địa bàn, các xã viên có nhiều tâm tư song phần lớn chấp hành. Đến nay đã có 10 xe của HTX Thăng Long được điều chuyển sang bến mới, tuy nhiên có một số xã viên lo ngại bến mới vắng khách gây thất thu nên đã bỏ phù hiệu, cho xe bỏ bến chạy dù. Qua theo dõi có 5 xe thường xuyên chạy dù và một xe bỏ tuyến cố định để chuyển sang chạy xe hợp đồng.
Ông Bùi Danh Liên kiến nghị Sở Giao thông sắp xếp các xe tuyến Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định hoạt động tại bến xe Giáp Bát thay vì bến Nước Ngầm như hiện nay. Vì giá dịch vụ tại bến Nước Ngầm khá cao, gây khó khăn cho nhà xe, hơn nữa xe buýt về trung tâm tại đây chưa có nhiều khiến hành khách đi lại không thuận lợi.
"Nếu sắp xếp điều chuyển các tuyến xe không hợp lý thì sẽ vỡ bến, nhiều doanh nghiệp sẽ dần bỏ bến để chạy dù", ông Bùi Danh Liên nhận định.
Đại diện doanh nghiệp Dũng Minh cho biết "nhà xe về bến Nước Ngầm nhiều quá mà ít khách, xe lại chỉ được đón khách thời gian ngắn tại bến là phải dời đi cho xe khác vào nên chúng tôi hoạt động rất vất vả".
"Từ khi phải dừng hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, doanh thu vận tải giảm một nửa so với trước. Nếu chúng tôi hoạt động tại bến mới chưa có khách thì càng thua lỗ", đại diện nhà xe Thuận Ý Gia Lai chia sẻ.
Theo ông Đào Việt Long (Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở Giao thông Hà Nội), việc điều chuyển luồng tuyến xe khách đã được Sở phối hợp với nhiều cơ quan nghiên cứu, xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý, không để xe khách vào sâu trong nội đô Hà Nội.
Về kiến nghị của ông Bùi Danh Liên, ông Long nói không thể điều chuyển thêm xe tuyến Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định vào bến Giáp Bát vì mật độ phương tiện tại đây đã cao.
Ông Long khẳng định, các nhà xe không chấp hành điều chuyển sẽ bị xử lý theo Thông tư về xử phạt vi phạm trong vận tải bằng xe ôtô. Theo đó, nhà xe sẽ bị đình chỉ khai thác một tháng nếu không chạy xe theo đúng biểu đồ, hoặc tiếp tục đình chỉ 3, 6 tháng.
Trưởng phòng quản lý Vận tải Đào Việt Long cũng thừa nhận có tình trạng nhiều xe bỏ phù hiệu chạy tuyến cố định ra chạy xe dù đón khách tại khu vực đường Giải Phóng, bến xe Nước Ngầm... Lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát sẽ phối hợp xử lý nghiêm các xe này.
Từ 2/1, Hà Nội điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, về bến xe Nước Ngầm. Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, về bến xe Mỹ Đình. Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, về bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, về bến xe Gia Lâm. |