Đó là chia sẻ của ThS.BS Trần Việt Dũng, phụ trách Phòng Công tác thanh tra, Chi cục ATVSTP Hà Nội về những khó khăn trong việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp quận, huyện, xã, phường.
BS Trần Việt Dũng cho biết, phần lớn các quận, huyện và xã, phường triển khai thí điểm thanh tra lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai thanh tra.
Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính.
Theo BS Trần Việt Dũng, từ ngày 10/7/2019, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn TP. Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực.
Cụ thể, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tiến hành thanh tra 487 cơ sở, xử phạt 149 cơ sở với số tiền hơn 550 triệu đồng. Ở cấp xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra 1.516 cơ sở, xử phạt 327 cơ sở với số tiền hơn 519 triệu đồng.
Để đảm bảo đúng quy định nhân lực về công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo, các Sở, ngành đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Nỗi lo của doanh nghiệp về sự chồng chéo các đoàn thanh kiểm tra hay hiệu quả xử phạt hạn chế do còn sự nể nang…
Trong thời gian tới, các tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của quận, huyện, thị xã; các tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của quận, huyện, thị xã thì kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của xã, phường, thị trấn. Đồng thời, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đoàn khi tiến hành thanh tra ATTP tại các cơ sở về công tác tổ chức, công tác triển khai, công tác xử lý vi phạm... Để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra ATTP, ThS.BS Hà Thu Hương, Thanh tra ATTP-Thang tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trước tháng 10 hàng năm, theo quy định lực lượng thanh tra phải xây dựng xong kế hoạch thực hiện của năm sau, và hoạt động này sẽ loại bỏ những chồng chéo.
Trong 10 tháng, xử phạt vi phạm ATTP số tiền hơn 110 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, tính đến hết tháng 10/2019, các bộ, ngành, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm ATTP với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng.
Cụ thể, các bộ ngành, địa phương đã thành lập 21.811 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 427.842 cơ sở, phát hiện trên 65.000 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 12.000 cơ sở với tổng số tiền 43 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã kiểm tra, xử lý 5.649 vụ việc về vi phạm ATTP, phạt tiền 14,6 tỷ đồng, thu giữ tang vật trị giá 20,7 tỷ đồng; xử lý 2.179 vụ vi phạm về thương mại điện tử kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, xử phạt 16,6 tỷ đồng, thu giữ 40,5 tỷ đồng giá trị hàng vi phạm…
Lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện 7.410 vụ việc về ATTP, vi phạm pháp luật có hàng hoá là thực phẩm (tăng 1.234 vụ); khởi tố 140 vụ, phạt hành chính 43,7 tỷ đồng (tăng 13,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, các bộ ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành. Bộ Y tế đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiện sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Tính đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 20 vụ) với 1.950 người mắc (giảm 717 người), 1.874 người đi viện (giảm 464 người) và 8 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp. Các cơ sở kiểm nghiệm về ATTP đã kiểm tra trên 30.000 mẫu, tỷ lệ mẫu không đạt khoảng 6,6%.
Đến nay, 63/63 tỉnh, TP xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 1.492 chuỗi (tăng 396 chuỗi so với năm 2018); 2.381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm) và 3.267 điểm bán (tăng 93 điểm).