Cụ thể bệnh nhân nam B.H. P (SN 1965) ở Ngọc Khánh Ba Đình HN, sau 24h uống rượu ở 1 địa chỉ gần nhà và ở Đê La Thành thì có dấu hiệu của ngộ độc. Gia đình đã chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Giao thông vận tải trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hoá. Sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vào ngày 6/4.
Bệnh nhân hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cao (Ảnh BSCC) |
Xét nghiệm cho thấy nồng độ Methanoltrong máu lên đến 45,9 mg/dl. Bệnh nhân đã được điều trị bằng tất cả các liệu pháp tích cực với 1 tình trạng ngộ độc methanol. Đến chiều ngày 8/4, xét nghiệm methanol trong máu đã âm tính nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết: từ tháng 1/2017 đến nay, đây là bệnh nhân thứ 34 Trung tâm phải cấp cứu do ngộ độc methanol. Trong số đó có 9 bệnh nhân tử vong tại viện hoặc nặng gia đình xin về. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng nề dù đã được lọc máu thải độc tích cực, tốn kém kinh phí không nhỏ.
Theo các bác sĩ, bệnh viện đã hết sức nỗ lực nhưng đáng tiếc không cứu được nhiều bệnh nhân cũng không thể chữa trị hết những di chứng nặng nề do ngộ độc methanol. Vấn đề là phải tuyên truyền để người dân không mua rượu không rõ nguồn gốc, đồng thời các cơ quan chức năng phải dẹp bỏ rượu methanol trôi nổi trên thị trường. Người dân không thể phân biệt được rượu có methanol và không có methanol. Các dấu hiệu ngộ độc lại rất muộn, thường phải sau 24h, bệnh nhân đến viện chậm nên tình trạng ngộ độc nặng nề, khó cứu chữa.
Theo Dân Việt