Hai ngày qua, 4 người trong gia đình bà Hà Thị Viện ở khu Bình Dân, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ phải ăn bánh mỳ và uống nước lọc, chờ nước rút để về nhà. Căn nhà 2 tầng của gia đình đang bị ngập đến hết tầng 1, đồ đạc trong nhà hầu hết đã bị hư hỏng hoặc trôi theo dòng nước lũ.
“Muốn mở ra cho nước thoát nhưng không dám mở vì sợ đồ đạc trôi đi hết. Đồ điện, tủ lạnh máy bơm đều bị ngập hết, không biết còn sử dụng được không”, bà Viện chia sẻ.
Cũng giống như gia đình bà Hà Thị Viện, 1.400 hộ dân khác tại thị trấn Thanh Sơn và xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn cũng đang phải di dời đến nơi ở tạm an toàn hơn.
Ông Lê Hồng Phong, ở xã Sơn Hùng cho biết, kể từ năm 1971 đến nay, mới xảy ra nước lên nhanh và mạnh như thế. Nhiều người dân trở tay không kịp. Gần 5 tấn cá của gia đình ông Phong cùng nhiều tài sản đã bị trôi theo dòng nước lũ.
“Có cảnh báo nhưng không chuẩn bị kịp. Địa phương có cảnh báo mưa lũ trong 1,2 ngày, nhưng người dân không nghĩ là lũ lên nhanh như Nghệ An, Hà Tĩnh. Mưa lớn quá, nước về nhanh không trở tay kịp”, ông Phong nói.
Theo thống kê sơ bộ, huyện Thanh Sơn có hơn 3.700 hộ dân bị ngập, trong đó có 2.500 hộ với 13.000 người phải di dời, chủ yếu ở xã Sơn Hùng và thị trấn Thanh Sơn. Trong đó có gần 600ha lúa, hơn 100ha ngô các xã ven đê sông Đà và sông Bứa bị ngập và mất trắng; hơn 1.000 con lợn và khoảng 10.000 con gà bị nước cuốn trôi, nhiều tài sản của người dân cũng bị trôi theo dòng nước lũ.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân là rất lớn. Chúng tôi chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, hộ nào khó khăn để hỗ trợ. Lĩnh vực nông nghiệp thì sẽ rà soát lại diện tích và thời vụ để hỗ trợ giống cho người dân”.
Hiện nay, nước lũ đang rút dần. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng trực tại những điểm xung yếu, chủ động nắm chắc tình hình sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra khi nơi đây vẫn đang có mưa trên diện rộng.
Lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên đang khẩn trương hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, sắp xếp lại đồ đạc để sớm ổn định cuộc sống. Ngành y tế của huyện cũng đã chuẩn bị thuốc men để tiêu độc khử trùng, làm sạch nguồn nước để tránh dịch bệnh có thể phát sinh.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn có 2 người bị chết do sạt lở đất là bà Trần Thị Bất, 81 tuổi và cháu Hà Tuấn Kiệt, 11 tuổi ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, 1 người bị mất tích là ông Nguyễn Hồng Tư, khu 1, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông do bị nước cuốn trôi.
Hiện nay nhiều xã thuộc huyện Tân Sơn, Thanh Sơn bị chia cắt do mực nước các suối lên cao và mất điện trên diện tích rộng. Đáng chú ý là nhiều công trình giao thông công cộng tại huyện Tân Sơn bị lũ cuốn trôi.
Cụ thể là sập cầu treo khu Bến Gạo - xã Văn Luông; đứt 1 mố cầu cứng trên đường từ xã Văn Luông đi xã Minh Đài; sụt lún 1 đầu cầu trên đường từ xã Tân Phú Đi xã Xuân Đài; một số điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài từ 10 - 100m như: Dốc Tre, khu Kết - xã Lai Đồng; đường đi khu Mỹ Á - xã Thu Cúc, khu Sặt - xã Vinh Tiền, dốc Đỏ - xã Xuân Sơn đi xã Minh Đài, đường 316E đoạn khu Tân Lập, Tân Thư - xã Minh Đài; đỉnh Đèo Cón - xã Thu Cúc…