TP HCM từng thống kê có đến 1.300 căn biệt thự cổ (xây trước năm 1975), tập trung nhiều nhất ở quận 1 và 3, trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai...
Tuy nhiên, khảo sát trong thời gian gần đây, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM) xác định có đến gần nửa biệt thự cổ đã "biến mất". Đường Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn hiện chỉ còn 24, đường Hai Bà Trưng 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20, đường Lê Quý Đôn và Mạc Đỉnh Chi nay chỉ còn 6 trong số 20 căn...
Hồi cuối tháng 6, biệt thự 237 đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) xây dựng hơn 100 năm trước bị chủ sở hữu phá dỡ. Gần như cùng thời điểm, biệt thự 200 tỷ đồng nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Lý Tự Trọng (quận 1) cũng bị đập bỏ toàn bộ sau khi được chuyển giao qua 3-4 đời chủ.
Trước tình trạng này, UBND TP HCM đã ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân và đơn vị tự ý tháo dỡ hai biệt thự cổ giá trị này. Thành phố cũng yêu cầu Viện nghiên cứu phát triển TP HCM hoàn chỉnh tiêu chí phân loại biệt thự cổ để xem xét cấp phép sửa chữa cho người dân có nhu cầu.
Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Minh Trí - Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, đơn vị được giao thành lập Hội đồng phân loại biệt thự TP HCM - cho biết, từ năm 1996 thành phố đã có công văn quy định các trường hợp phá bỏ biệt thự cổ để xây dựng các công trình khác phải có ý kiến của Kiến trúc sư trưởng thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND TPHCM quyết định.
Hiện, các chủ sở hữu biệt thự có nhu cầu tháo dỡ hay xây dựng mới, UBND các quận huyện đều gửi công văn về Sở Quy hoạch - kiến trúc và chờ UBND TP HCM giải quyết từng trường hợp một. Tuy nhiên, theo ông Trí, cần phải có tiêu chí cụ thể phân loại và quản lý các ngôi biệt thự cổ để giải quyết quyền lợi của người dân và phục vụ công tác bảo tồn. Đây là lý do lãnh đạo thành phố đã giao cho Viện lập dự thảo phân loại và quản lý biệt thự cổ.
Hội đồng phân loại biệt thự chịu trách nhiệm đánh giá và phân loại biệt thự cũ thành ba nhóm 1, 2, 3 trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt.
Ông Trí khẳng định, chỉ có các biệt thự cổ thuộc nhóm 3 (công trình ít có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử) mới được tháo dỡ khi có nhu cầu xây dựng công trình mới. Theo quy định, các công trình mới này vẫn là công trình biệt thự với 3 tầng lầu phù hợp với quy hoạch khu biệt thự cổ đã có sẵn.
"Đến thời điểm hiện nay, tiêu chí để đánh giá phân loại biệt thự cổ chưa có là quá trễ so với nhu cầu phát triển của TP HCM", ông Trí nói và cho biết trong thời gian qua việc tháo dỡ biệt thự cổ vẫn diễn ra ở một số căn trước đây nhà nước cấp cho nhiều hộ ở cùng. "Sở Quy hoạch Kiến trúc có trình, UBND TP HCM cho phép trường hợp này phân chia tháo dỡ nhưng thực chất đây chỉ là hợp thức hóa. Bởi các căn biệt thự cũ loại này đã bị chia cắt tháo dỡ và các hộ đã xây riêng lẻ từ trước đó".
Nhìn nhận thực tế có mâu thuẫn quyền lợi giữa chủ sở hữu biệt thự cổ và việc bảo vệ di sản đô thị, ông Trí cho rằng việc này xảy ra ở bất cứ đâu. Nhà nước không thể hỗ trợ toàn bộ mà sẽ chỉ được một phần để người dân có thể sửa chữa và bảo tồn công trình kiến trúc cổ.
Hiện, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự nhưng chưa được thành phố thông qua.