Hạnh phúc của cặp vợ chồng khuyết tật

Hạnh phúc của cặp vợ chồng khuyết tật

Vốn dĩ tình yêu của những người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Thế nhưng, bằng sự thấu hiểu, anh Vũ Tùng Đạt (sinh năm 1984) và chị Lê Thị Thúy Hằng (sinh năm 1989) đã vượt qua tất cả để xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
* * *
2 CUỘC ĐỜI, 1 SỐ PHẬN

Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em ở thôn Tân Hà, xã Kỳ Hưng, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, anh Vũ Tùng Đạt đã phải trải qua nhiều mất mát. Mẹ anh, bà Phùng Thị Thi (sinh năm 1943) là thanh niên xung phong, tham gia chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1968 - 1971; giờ là thương binh, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh cùng chất độc màu da cam.

Cũng vì những di chứng sau cuộc chiến tàn khốc mà bà sinh ra người con gái đầu lòng không được bình thường như bao người khác. Đau buồn và tủi hờn, bố mẹ anh Đạt quyết định sinh tiếp lần nữa với hy vọng sẽ có những đứa con thông minh và khỏe mạnh. Những tưởng sẽ cùng nhau đón đứa con thứ hai trong niềm hạnh phúc thì chồng bà đột ngột qua đời, để lại nỗi đau lớn lao cùng lời hứa dang dở với đứa con còn trong bụng bà Thi.

Gạt đi nước mắt, bà Thi cố gắng sống tiếp và sinh ra người con thứ hai cũng chính là anh Đạt. Lúc mới sinh, Đạt cũng khỏe mạnh và kháu khỉnh như bao đứa trẻ  khác. Thế nhưng, đến tuổi chập chững thì cơ thể anh yếu dần. Thương con, bà Thi đã vay mượn họ hàng một khoản tiền để đưa Đạt ra bệnh viện ở Hà Nội khám bệnh. Một lần nữa, mọi hy vọng của bà Thi lại bị dập tắt khi bác sỹ chuẩn đoán anh bị căn bệnh hiếm gặp do di chứng chất độc da cam. Thế rồi cơ tay chân Đạt yếu dần theo năm tháng. Lớn lên, anh không thể tự di chuyển được. Bà Thi lại phải vất vả nuôi hai người con tật nguyền.

Đến tuổi đi học, thấy các bạn tung tăng đến trường, Đạt cũng khao khát cháy bỏng. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của mọi người, anh Đạt cũng có những tháng ngày cùng bạn bè đến trường. Thế nhưng học đến cấp 2 thì sức khỏe của anh trở nên trầm trọng hơn. Anh không thể đi lại mà phải ngồi xe lăn, mọi sự sinh hoạt cơ bản nhất cũng phải nhờ đến người thân giúp đỡ nên anh buộc phải nghỉ học. Buồn tủi, tự ti nhưng không còn cách nào khác, Đạt phải từ bỏ ước mơ được vào Đại học. Thời điểm đó vì sự mặc cảm của bản thân mà anh Đạt đã tự nhốt mình trong nhà nhiều ngày không nói chuyện với ai. Thậm chí anh đã từng có ý định muốn kết liễu bản thân mình để cho mẹ đỡ khổ. “Khi đó tôi đã rất buồn và bất lực. Tôi tự cảm thấy cuộc đời thật bất công khi mà đã sinh ra tôi không được như bao người khác. Tôi cũng có ước mơ, cũng có hoài bão nhưng sao cuộc đời tôi khổ quá. May mắn sao tôi còn có mẹ và bạn bè bên cạnh,  mẹ luôn động viên và khích lệ tôi. Còn bạn bè thì hằng ngày thường đến chơi với tôi, luôn sát cánh bên tôi những lúc khó khăn. Dần dần tôi đã vượt qua được và sống vui vẻ” - Anh Đạt tâm sự.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng khuyết tật ảnh 1

Những ngày tháng sau đó, anh Đạt đã sống tích cực hơn, anh tự tạo niềm vui, sống có ích mỗi ngày bằng cách tìm một công việc phù hợp với bản thân để kiếm thêm thu nhập. Khi đó, chị gái anh Đạt bị bệnh thần kinh không ổn định nên được Trung tâm dạy nghề Hà Tĩnh tặng cho chị một cái máy may. Sẵn có máy may của chị nên anh Đạt đã tự mày mò học may vá. Sau một thời gian miệt mài, anh may được quần áo cho bà con xung quanh. Nhưng sau đó, thấy việc này thu nhập thấp nên anh học vẽ tranh, cắt chữ và viết chữ thư pháp từ một bạn thân. Rồi anh cùng bạn mở cửa hàng lưu niệm, bán hàng và vẽ tranh.

Làm cùng người bạn được một thời gian, Đạt tự nhận vẽ tranh, cắt chữ đám cưới, in thiệp mời và thiết kế thiệp mời. Không dừng lại ở đó, Đạt tiếp tục tự mày mò học sửa lỗi máy tính, rồi mở tiệm internet tại nhà để kiếm sống. Cuộc sống của anh Đạt được phần nào cải thiện hơn.

Còn chị Lê Thị Thúy Hằng - Vợ của anh Đạt cũng có chung cảnh ngộ với anh là sinh ra không được lành lặn như bao người khác. Chị có khiếm khuyết ở chân, đi lại vô cùng khó khăn, nhiều lúc cũng  phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Nhưng may mắn hơn là chị Hằng không phải ngồi xe lăn như anh Đạt. Chị Thúy Hằng sinh ra trong một gia đình ở Nam Đàn - Nghệ An. Bố chị là bộ đội nghỉ hưu còn mẹ chị là giáo viên mầm non. Cũng vì chị là con út lại thiệt thòi nên khá được cưng chiều hơn các anh chị trong nhà. Có lẽ vì vậy mà khi tâm sự với phóng viên, chị Hằng nói: “Cuộc sống của chị trước kia không vất vả như anh Đạt đâu, chỉ thương anh khó khăn từ nhỏ”.

Học hết cấp 3 thì chị Hằng được bố mẹ cho đi học Trung cấp kế toán, sau đó chị ra Hà Nội học máy tính ở Trung tâm Nghị lực sống. Cuối cùng, chị chuyển về làm kế toán cho một công ty ở Nghệ An. Cuộc sống của chị cứ thế trôi qua khá êm đềm trong sự yêu thương của gia đình và bạn bè.

TÌNH YÊU KỲ DIỆU ĐẾN TỪ SỰ SẺ CHIA

Một người ở Hà Tĩnh, một người ở Nghệ An - Hai con người tưởng chừng không bao giờ liên quan đến nhau cuối cùng lại trở thành hai nửa của nhau... Thời điểm đó anh Đạt đang kinh doanh tiệm Internet nên cũng có điều kiện để lên mạng xã hội. Rồi anh lập tài khoản Facebook, mục đích cũng chỉ để giải trí chứ anh cũng chẳng có ý định kết bạn hay làm quen ai. Phần vì hoàn cảnh gia đình anh không khấm khá gì, phần nữa là chân anh khiếm khuyến thì làm sao nghĩ đến chuyện lấy vợ sinh con. Thế nhưng anh không ngờ rằng, chính cái thế giới ảo ấy đã mang chị đến với anh.

“Tôi và vợ quen nhau khi cùng tham gia một nhóm dành cho người khuyết tật trên mạng xã hội. Cùng là người có hoàn cảnh nên tôi không ngại ngần chia sẻ, Tôi nói chuyện nhiều hơn với mọi người trong nhóm và rồi tôi bị ấn tượng bởi người con gái duyên dáng và chân thành - Cô gái tên Hằng và cũng là vợ của tôi sau này”.

Mỗi ngày dù bận đến đâu anh Đạt vẫn luôn dành thời gian để tâm sự cùng chị Hằng. Rồi tình cảm giữa hai người cứ lớn dần và họ đã thương nhau lúc nào không hay.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng khuyết tật ảnh 2

Qua gần 1 năm quen nhau, chị Hằng quyết định lặn lội hơn 110km từ Nam Đàn đến Kỳ Anh tìm thăm anh Đạt. Chị kể: “Từ Kỳ Anh về, tôi càng thương anh nhiều hơn. Lúc đó, như có ai mách bảo mình gắn bó cuộc đời để chăm sóc anh. Rồi tôi mạnh dạn đưa bố mẹ đến gặp anh. Nhìn thấy anh Đạt, bố mẹ tôi đã khóc. Họ sợ con khuyết tật một chân, lấy một người khuyết tật hai chân thì sẽ khổ”.

Những ngày sau đó bố mẹ chị Hằng đã khóc rất nhiều, họ nhất quyết không gả con gái cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn cả con mình. Họ sợ lấy anh Đạt về chị sẽ khổ, khổ về vật chất và cả tinh thần nữa. Chị Hằng biết những điều bố mẹ cô nói là có lý, chị cũng thấy rõ tương lai của mình là sẽ khó khăn nhưng có lẽ vì tình yêu với anh quá lớn nên chị không thể buông xuôi, không thể để mất anh được. Sau nhiều lần thuyết phục, cố gắng vạch kế hoạch tương lai, rằng có thể tin tưởng dựa vào anh Đạt. Cuối cùng, bố mẹ chị Hằng cũng chấp thuận.

Tháng 10/2013, một đám cưới giản dị được tổ chức, cặp đôi chính thức “về chung một nhà” trong sự chúc phúc của gia đình và bạn bè. Niềm vui càng nhân lên khi sau một tháng lấy nhau, chị có tin vui và sau gần một năm, cậu con trai Vũ Lê Gia Bảo chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Chị Hằng kể rằng khoảng thời gian mang thai cũng chính là ngày tháng chị nếm trải những khó khăn đầu tiên khi lấy anh. Lúc đó do cơ thể chị ốm yếu nên đành phải về nhà ngoại dưỡng thai. “Lấy nhau một năm mà tôi và chồng ở bên nhau có 3 tháng, còn 8 tháng xa nhau. Năm đầu tiên lấy nhau mà phải cách xa tôi cũng cảm thấy buồn lắm nhưng cũng không còn cách nào khác. Với hoàn cảnh của tôi và chồng thì chỉ có thể nhờ sự giúp đỡ của gia đình hai bên mà thôi” - Chị Hằng tâm sự.

Trở lại nhà nội sau khi sinh con, chị càng thấm thía hơn cuộc sống khó khăn khi phải vừa chăm con nhỏ vừa phải chăm chồng. Anh Đạt thì ngồi xe lăn không thể làm được gì. Mẹ chồng chị thì cũng già yếu nên hằng ngày chỉ phụ chị trông cu Bin những lúc chị tắm cho anh và nấu cơm mà thôi.

Thời gian thấm thoát trôi qua, năm cu Bin 3 tuổi cũng là tháng ngày cơ cực nhất của anh chị. Chị nhớ ngày đó tiệm internet của anh đã phải dẹp bỏ vì không có khách. Người ta chuyển đến chơi ở những cửa hàng mới mở, còn tiệm của anh chị thì máy quá cũ rồi nên không còn ai ghé. Từ ngày không có thu nhập từ việc kinh doanh, cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm túng quẫn. Chị Hằng thì không thể đi làm được vì phải ở nhà chăm anh và con. Còn anh Đạt thì không thể làm gì với đôi chân ấy.

Khó khăn về kinh tế thì không nói làm gì nhưng khoảng thời gian đó chị Hằng còn phải hứng chịu những trận đòn và lời mắng chửi của người chị gái thần kinh không bình thường của chồng. Nhiều lúc uất ức quá chị Hằng cũng chỉ biết rơi nước mắt. Anh thương chị nhưng cũng chỉ bất lực. Anh bảo chị mang con về ngoại sống nhưng chị không nghe, chị nói chỉ khi anh về cùng thì hai mẹ con chị mới về. Chị hứa với anh sẽ luôn mạnh mẽ, bởi lý do chị ở đây là vì anh.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng khuyết tật ảnh 3

Trong lúc khó khăn nhất, tưởng chừng hai vợ chồng không vượt qua được thì may mắn họ được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Biết được hoàn cảnh của anh chị, nhiều người đã quyên góp và ủng hộ cho hai vợ chồng một khoản tiền. Một số người cùng chung hoàn cảnh còn giúp anh làm thêm công việc offer trên máy tính để kiếm thêm thu nhập. Và rồi thời gian khó khăn ấy cũng qua. Cho tới bây giờ, sau hơn 5 năm lấy nhau, dù đã nếm trải thêm nhiều sóng gió nhưng chưa bao giờ anh chị bỏ cuộc.

“Đôi khi tôi cũng nghĩ, không biết vì sao tôi có thể từ bỏ được hết mọi thứ để đến với anh. Tôi vứt bỏ cuộc sống êm ấm bên gia đình để sang đây phải vất vả chăm sóc anh, làm những việc mà mình chưa từng làm. Nhưng giờ đây, khi nhìn con khỏe mạnh, nhìn anh sống vui vẻ là tôi lại cảm thấy hạnh phúc vì cuộc sống đó ngập tràn yêu thương. Tôi chưa bao giờ chị cảm thấy hối hận vì đã lấy anh” – Chị Hằng bùi ngùi.

Hiện tại, cuộc sống hai vợ chồng chưa hoàn toàn ổn định, mọi thu nhập dựa vào tiền trợ cấp xã hội và công việc trên máy tính của anh Đạt. Tuy nhiên, chính tinh thần lạc quan và niềm hạnh phúc luôn giúp họ vượt qua khó khăn, thiếu thốn.

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).